Ấn tượng & kỳ vọng
Với tâm thế của “người trong cuộc”, những nhà quản lý, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của tỉnh cho biết rất ấn tượng trước những điểm mới mang tính đột phá trong quan điểm, đường lối xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.
Nhà thơ, nhà viết kịch VĂN TRỌNG HÙNG:
Đường lối sáng rõ, đổi mới và đột phá
Với Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 và nhiều nghị quyết về văn hóa sau đó, Đảng xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam theo 3 đặc trưng: Dân tộc, đại chúng, khoa học. Đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã được đổi mới, bổ sung, gồm: Dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Đây là điểm mới cốt lõi và bao trùm, cho thấy nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ, sâu sắc. Đồng thời, là quan điểm lớn để tiếp tục soi đường, định hướng cho công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa hiện nay, phù hợp và đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, thời đại mới.
Đi vào cụ thể một số nội dung, Đảng khẳng định sẽ dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, gắn với con số, giải pháp cụ thể. Có thể thấy, lần đầu tiên, vị thế của trụ cột văn hóa được xác lập ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.
Đặc biệt, là quy định về phạm vi can thiệp của Nhà nước theo hướng khu biệt, thu hẹp lại, để tạo dư địa rộng lớn cho sáng tạo và hưởng thụ văn hóa chính đáng của nhân dân. Cùng với đó là chuyển đổi hệ thống quản lý văn hóa chủ yếu từ mệnh lệnh hành chính sang cơ chế quản lý bằng luật pháp và các công cụ điều tiết vĩ mô khác… Đây là quan điểm đột phá, rất táo bạo và cũng rất sáng suốt, sâu sắc, nhân văn của Đảng, thể hiện mạnh mẽ tinh thần dân chủ và thống nhất hành động với quan điểm coi trọng văn hóa, tôn trọng sáng tạo nghệ thuật.
Theo dõi sự kiện, tôi rất xúc động khi thấy Hội nghị xác định rõ quan điểm chỉ đạo trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam cho thời gian tới. Đó là: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Tác giả trẻ LÊ CÔNG PHƯỢNG, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh:
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực văn hóa
Tôi đặc biệt ấn tượng với các phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những tham luận, ý kiến sâu sắc, giải pháp mang tính hiến kế tại Hội nghị. Trong đó, điểm chung là coi văn hóa là nguồn sức mạnh nội sinh và nhất quán về triển khai hệ giá trị con người Việt Nam - đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước…
Qua Hội nghị, tôi hết sức kỳ vọng về việc Đảng và Nhà nước sẽ có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy văn hóa cũng như nghệ thuật truyền thống phát triển. Hy vọng những vấn đề nan giải, tồn tại nhiều năm qua từng bước được tháo gỡ, nhất là vấn đề khan hiếm nguồn nhân lực.
Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tạo điều kiện và đầu tư mạnh cho khâu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc công, kỹ thuật sân khấu… Đồng thời, có chính sách nâng cao đời sống cho các nghệ sĩ, để họ có cuộc sống vật chất ổn định, chú tâm làm nghề. Có vậy mới thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao đến với nghệ thuật truyền thống.
Nhà thơ MAI THÌN, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh:
Nâng cao nhận thức,đẩy mạnh tuyên truyền
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí”. Phân tích những hạn chế và chỉ ra nguyên nhân, Tổng Bí thư xác định: Nguyên nhân chủ quan vẫn là chính.
Đây là điều mà Đảng ta đã thấy rõ và đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm chấn chỉnh những lệch lạc về văn hóa, văn nghệ trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường cuốn theo cơn lốc tăng trưởng kinh tế đã vô tình làm cho chúng ta bỏ qua những tác nhân mà ngày nay (và có lẽ một thời gian dài nữa) xã hội phải gánh chịu, đó là tình trạng xuống cấp về văn hóa, về đạo đức trong đời sống.
Trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Đảng có nhiệm vụ: “Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò quan trọng của văn hóa”. Theo tôi, đây là nhiệm vụ then chốt, bắt đầu từ các nhà lãnh đạo, những người đề ra quyết sách liên quan đến văn hóa. Lãnh đạo cần phải lắng nghe và coi trọng ý kiến của văn nghệ sĩ, của giới chuyên môn về văn hóa. Tạo ra một môi trường cởi mở, dân chủ để văn nghệ sĩ, những nhà văn hóa có tiếng nói phản biện không chỉ trong các vấn đề văn hóa. Môi trường ấy là sự “cởi trói” về tư tưởng, nhận thức, là tôn trọng những khác biệt; ưu đãi tài năng và quan tâm phát hiện, bồi dưỡng nhân tài…
Sau hội nghị này, chúng ta phải có sự quan tâm hơn về văn hóa, VHNT, trong đó mấu chốt là con người. Cần quy hoạch, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ đủ tâm, đủ tầm để tham mưu hoạch định các quyết sách của tỉnh; đủ uy tín để tập hợp, đoàn kết văn nghệ sĩ nỗ lực sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng cao.
SAO LY (ghi)