Người thương câu bài chòi xứ Nẫu…
Vì mê đắm nghệ thuật bài chòi dân gian mà tác giả Vũ Thanh đã tự mày mò học hỏi và có nhiều sáng tác thơ nhạc đậm chất bài chòi dân gian Bình Ðịnh…
Sinh ra và lớn lên ở Hoài Nhơn, một trong những nơi phát triển khá mạnh bài chòi dân gian tại Bình Định, Vũ Thanh đã sớm tiếp xúc với các làn điệu bài chòi, nghe những câu hô hát của những nghệ nhân xưa. Có sự quan tâm đến loại hình nghệ thuật này, nên ông hay tìm xem và coi đó như một lối dẫn hoài niệm để thấy mình gần hơn với quê hương bản xứ. Với ông, những mộc mạc chân thành người quê là thứ đọng lại, luôn gieo cho ông những sự xúc động. Vì yêu thích thơ ca, yêu thích bài chòi nên ông vừa học hỏi thêm vừa dành tâm huyết cho những sáng tác với niềm mong muốn được lan tỏa nét đẹp quê hương qua làn điệu bài chòi dân gian.
Tác giả Vũ Thanh tên thật là Trần Vũ Thanh, sinh năm 1954, quê ở Hoài Hương, Hoài Nhơn. Hiện ông đang sinh sống tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn.
Tác giả Vũ Thanh công tác ở ngành Công an, năm 2014 ông nghỉ hưu, từ đó ông dành nhiều thời gian hơn cho việc sáng tác. Bạn đầu ông viết thơ, rồi từ những bài thơ đó ông chuyển thể qua làn điệu bài chòi. Ông thổ lộ: Thú thật tôi không định làm nhà thơ cũng không dám nhận mình là nhạc sĩ. Nhưng vì yêu thích làn điệu của quê hương, muốn tỏ bày tình yêu quê hương nên tôi mày mò học và viết. Trong đó tôi vận dụng chủ yếu các làn điệu như: Xuân nữ, Xàng xê, Hò Quảng và Cổ bản”.
Mảng sáng tác chính của ông là quê hương để thể hiện cái chất đôn hậu, chịu khó người xứ Nẫu và những kiên cường của một vùng đất, những đổi thay từng ngày của quê hương, ân nghĩa người Bình Định. Và hầu như, mỗi vùng đất của Bình Định đều được ông trân trọng đưa vào sáng tác của mình để giới thiệu với bạn bè và người yêu thích âm nhạc truyền thống về đất và người xứ Nẫu.
“Tôi đang tập trung viết hoặc chuyển thể bài chòi về các vùng đất của Bình Định, chí ít là những vùng đất mình từng đi qua và gắn bó. Như ở An Nhơn là Nước non quê mình, với Hoài Nhơn là Giữ trọn tình quê, với An Lão là Về thăm An Lão quê mình…. Tôi tâm niệm trước tiên sẽ viết hết về các huyện, thị xã, thành phố của quê hương Bình Định”, ông trải lòng.
Tác giả Vũ Thanh dành cho quê hương Hoài Nhơn sự quan tâm đặc biệt trong sáng tác.
- Trong ảnh: Phong cảnh biển Hoài Hải, TX Hoài Nhơn.
Lời bài hát của Vũ Thanh mộc mạc, có chất thơ, dễ chuyển thể thành các làn điệu dân ca bài chòi. Ví như, trong bài Nồng nàn tình quê, ông viết: “Đắng cay mới có ngọt bùi/ Gian nan mới có niềm vui khải hoàn/ Nhớ thời vườn trống đồng hoang/ Chiến tranh lửa khói xóm làng bom rơi/ Quân dân đồng đội sáng ngời/ Giữ cho cuộc sống mọi nơi yên bình/ Để cho sức sống hồi sinh/ An sinh xã hội, nghĩa tình đẹp sao”.
Bên cạnh đó, nhiều bài thơ của ông cũng nhận được sự đồng cảm khi các nhạc sĩ như Nguyễn Hữu Thuần, Vũ Trung, Trần Ngọc Sơn… chọn lựa để phổ nhạc. Nhạc sĩ Trần Ngọc Sơn chia sẻ: “Khi đọc thơ của nhà thơ Vũ Thanh, tôi đã thấy cảm xúc và đồng cảm. Thơ anh có nhiều bức tranh về quê hương. Có khi là những hình ảnh gần gũi như chiếc nón Gò Găng, người mẹ quê tần tảo sớm khuya. Tôi vừa phổ bài thứ 2 từ thơ anh với âm hưởng dân ca bài chòi”.
Nhiều sáng tác của tác giả Vũ Thanh được người nghe cảm tình và có nhiều nghệ sĩ thể hiện như NSƯT Băng Châu, nghệ sĩ Thùy Dung, nghệ sĩ Bạch Lan... Nhắc đến tác giả Vũ Thanh, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú dành niềm cảm mến: “Anh Vũ Thanh khi còn công tác bên công an tỉnh đã rất yêu thích nghệ thuật bài chòi, anh đã ấp ủ ý tưởng và đã dày công nghiên cứu nhiều về văn hóa, lịch sử của từng vùng địa phương nên khi về hưu anh đã dành nhiều thời gian cho việc sáng tác, đặt lời mới cho những làn điệu dân ca và bài chòi nên những tác phẩm anh viết đều mang hơi thở, tiếng lòng của dân gian, ca ngợi truyền thống đấu tranh cách mạng, tình đồng chí, đồng hương, tình yêu quê hương đất nước và gia đình làng xóm. Và đặc biệt, anh là một người biết kết hợp tân nhạc, những ca khúc quê hương để làm mới tác phẩm của mình và đã thu hút người nghe, nhất là đối với khán giả chưa biết nhiều về bài chòi cũng đón nhận thưởng thức. Anh cũng chịu khó tìm hiểu về cách để viết những bài dân ca liên khu V, cách gieo vần niêm luật của thể thơ lục bát để viết bài chòi. Tôi rất thích hô, hát những bài anh viết về các địa phương trong tỉnh và ca ngợi về tình kết nghĩa giữa các địa phương trong kháng chiến năm xưa và trong xây dựng quê hương đất nước hôm nay”.
NGÔ PHONG