Tiếp cận gần hơn với Trường thơ Loạn
Trường thơ loạn - Thi pháp tượng trưng đa ký hiệu (NXB Đại học quốc gia Hà Nội) là tập chuyên luận của TS Võ Như Ngọc ra mắt bạn đọc cuối năm 2021. Tập sách khá dày dặn với hơn 250 trang được chia thành 3 chương: Từ dòng riêng giữa nguồn tượng trưng Thơ mới…; Đến thế giới hình tượng, biểu tượng; Và những cách tân về hình thức.
Những năm 1930 - 1945, Quy Nhơn - Bình Định ghi dấu với văn đàn cả nước về sự xuất hiện nhóm thơ Bàn thành tứ hữu (gồm Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan và Chế Lan Viên). Khoảng cuối 1936, Hàn Mặc Tử nhận thấy trong nhóm thơ này, tính khuynh hướng thể hiện rất rõ trong sáng tác của từng người, chính vì thế ông cùng Chế Lan Viên chủ trương thành lập “Trường thơ Loạn”. Sau 1938, “Trường thơ Loạn” có thêm những thành viên như Bích Khê, Hoàng Diệp, Quỳnh Giao.
“Trường thơ Loạn” đã tạo nên sự khác biệt ngay giữa phong trào Thơ mới, góp tiếng nói đặc sắc trong thi đàn dân tộc giai đoạn lúc bấy giờ. Các tác giả “Trường thơ Loạn” đã tiếp nhận văn hóa, văn học hiện đại phương Tây, nhất là chủ nghĩa tượng trưng Pháp với những hòa quyện và tiếp biến. Họ say sưa, quyết liệt sáng tạo, góp phần làm mới ngôn ngữ thơ với những tìm tòi, khám phá trong dòng lội ngược vào cõi vô thức, hư vô “vượt khỏi giới hạn chật hẹp của thể xác”…
Võ Như Ngọc quê gốc ở Quảng Nam. Hiện anh đang sinh sống tại TP Quy Nhơn, công tác tại Khoa KHXH&NV, Trường ĐH Quy Nhơn.
Ở chuyên luận này, TS Võ Như Ngọc soi chiếu sáng tác của “Trường thơ Loạn” dưới góc nhìn thi pháp tượng trưng đa ký hiệu. Đây cũng là công trình chuyên biệt đầu tiên nghiên cứu “Trường thơ Loạn” dưới góc nhìn này. Tác giả chủ yếu tập trung khảo sát thi phẩm của ba thi sĩ nổi bật là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Bích Khê. Nghiên cứu tỉ mỉ trên nền tảng lý thuyết vững chắc, tác giả giúp bạn đọc tiếp cận gần hơn với thế giới nghệ thuật của các thi sĩ bằng sự khách quan của mình: “Trường thơ Loạn bước vào địa hạt thơ Tượng trưng, dù còn những hạn chế nhất định nhưng đã mang đến cho thơ những vẻ đẹp thăng hoa từ những điều thiêng liêng và kinh dị. Thơ Loạn là thế giới của sự tương thông, thế giới của “hương thơm, màu sắc, âm thanh trong không gian tương ứng”. Các thi sĩ đã khai phá thế giới tâm linh vi diệu ấy bằng trực giác sắc nhạy, vô thức và bản năng để thiết kế nên một mô hình thơ hiện đại, đưa thơ Việt tiến vào quỹ đạo thơ thế giới”.
Nhận định về công trình nghiên cứu này, PGS.TS Hồ Thế Hà chia sẻ: “Trường thơ Loạn - Thi pháp tượng trưng đa ký hiệu của TS Võ Như Ngọc đã thỏa mãn người đọc ở hai nhu cầu quan trọng là giao tiếp và đối thoại thông qua hướng tiếp cận Thi pháp học và liên ngành để nghiên cứu tính chỉnh thể của từng thi phẩm. Quan hệ giao tiếp tác động trực tiếp từ tác phẩm qua mỗi lần đọc và quan hệ đối thoại được thể hiện qua diễn giải và giải mã tác phẩm một cách năng động và sáng tạo, giúp rút gần khoảng cách thẩm mỹ của tác phẩm và sự hiểu của tác giả công trình, truyền sự hiểu sang cho người đọc một cách tối đa”.
VÂN PHI