Trốn nghĩa vụ quân sự - nỗi xấu hổ của tuổi trẻ
Vừa qua, TAND huyện Tuy Phước đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với tội danh “Trốn tránh nghĩa vụ quân sự (NVQS)”. Theo đó, bị cáo H.V.S (24 tuổi, xã Phước Sơn) bị tuyên phạt 3 tháng tù. Hy vọng, bản án nghiêm khắc lần này sẽ giúp bị cáo nhận thức được hành vi đáng xấu hổ của mình khi có đến 2 lần trốn tránh thực hiện trách nhiệm với Tổ quốc. Được biết, ở kỳ tuyển quân năm 2019, trúng tuyển nhưng không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, S. đã bị địa phương xử phạt hành chính 2 triệu đồng với hành vi “Không có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng”.
Hai thanh niên L.V.C và T. K. D (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) cũng vừa bị UBND xã này ra quyết định xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng/người cho hành vi trốn tránh NVQS ở mùa tuyển quân năm 2022 vừa qua.
Có thể thấy, trong thực hiện trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc, bên cạnh đại đa số thanh niên trúng tuyển vinh dự và hăng hái lên đường, vẫn còn một bộ phận nhỏ nhận thức kém và hành xử thiếu trách nhiệm. Hậu quả của việc vi phạm pháp luật về NVQS, thiết nghĩ không chỉ ở các mức phạt hành chính vài triệu đồng hay nặng hơn là bị xử lý hình sự ở tù vài tháng đến dăm ba năm, mà chính là ở giá trị tuổi trẻ, giá trị công dân đã bị chính mình và gia đình hạ xuống một cách lãng phí và đáng tiếc. Bởi nguyên nhân của hành vi trốn tránh NVQS thường đến từ những suy nghĩ rất nông cạn, vị kỷ như ngại đi xa, sợ vất vả…
Trong khi đó, thực tế trải nghiệm của bao thế hệ thanh niên từng khoác áo lính luôn khẳng định: Quân ngũ chính là môi trường hiệu quả nhất để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Đó là chưa kể những chính sách, chế độ, quyền lợi dành cho quân nhân ngày càng được quan tâm, chăm lo…
Pháp luật về NVQS quy định rất cụ thể, rõ ràng. Thực hiện NVQS vừa là quyền vừa là nghĩa vụ; việc trốn tránh, không chấp hành là đáng bị phê phán và cần lên án, xử lý nghiêm. Hành vi này đã đi ngược lại với truyền thống yêu nước, phẩm chất kiên cường, dũng cảm, hy sinh quên mình để bảo vệ đất nước của nhân dân ta, do vậy vừa trái pháp luật vừa trái với trách nhiệm, đạo đức công dân.
Tùy theo hành vi, mức độ vi phạm, các hình thức xử lý hiện hành vẫn còn nhẹ, nhất là các mức phạt tiền, có thể nghiên cứu tăng lên nhằm bảo đảm tính răn đe, hiệu quả. Song hơn hết, có lẽ “bản án” nặng nhất vẫn là nỗi hổ thẹn với chính mình trong mỗi thanh niên đã tự gắn lên “lý lịch” tuổi trẻ tội danh, hành vi “trốn tránh NVQS”.
Đừng vì một chút suy nghĩ nông cạn, ích kỷ, thiếu trách nhiệm mà tự mình “làm bẩn” cả quãng đời tuổi trẻ vốn tươi sáng, đẹp đẽ của mình!
TƯỜNG MINH