Hoạt động sản xuất phải “thân thiện” với môi trường
Gần đây, dư luận tại thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) rất bức xúc trước tình trạng một nhà máy may tại khối Phú Xuân thường xuyên thải ra khói đen và bụi bẩn ảnh hưởng tới hàng trăm hộ dân ở xung quanh. Theo người dân có nhà ở gần xưởng may, quá trình đốt lò, ngoài nguyên liệu là than đá, củi thì đơn vị chủ quản còn “xen” vải vụn vào nên mới có tình trạng này.
Vào tháng 10.2021, các ngành chức năng của huyện Tây Sơn đã bắt quả tang nhà máy may này sử dụng vải vụn đốt lò và xử phạt hành chính 35 triệu đồng. Thế nhưng, tình trạng ống khói của nhà máy may thải khói đen, bụi bẩn vẫn tái diễn, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe người dân địa phương.
Không riêng gì người dân ở khối Phú Xuân, người dân ở nhiều địa phương khác - nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất hoặc khu, cụm công nghiệp - trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên “sống chung” với khói bụi. Họ bức xúc, nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng liên quan ở cấp huyện, tỉnh kiểm tra, xử lý.
Các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành cũng thực hiện việc kiểm tra, quan trắc môi trường theo quy định. Tuy nhiên, kết quả thường là các cơ sở sản xuất không thải ra khói bụi, hoặc có thải khói bụi nhưng nằm trong tiêu chuẩn cho phép; không thể áp dụng chế tài xử lý theo quy định pháp luật. Các cơ sở sản xuất vẫn hoạt động, còn người dân tiếp tục “hít thở” nguồn không khí chứa đầy khói bụi. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền các địa phương và các ngành chức năng liên quan cần có biện pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.
Mới đây, UBND huyện Tây Sơn ban hành văn bản chấn chỉnh tình trạng sử dụng vải vụn làm nguyên liệu đốt đối với hoạt động sản xuất của các tổ chức, cá nhân, cơ sở gạch ngói trên địa bàn huyện. Văn bản phân công trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban và UBND các xã trong kiểm tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân, cơ sở có hành vi vi phạm. Đây là động thái tích cực trong việc kiên quyết xử lý vi phạm, bảo vệ môi trường. Các địa phương khác trong tỉnh cũng cần có động thái cụ thể đối với công tác này.
Đặc biệt, mỗi tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất phải nêu cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Thực hiện hoạt động sản xuất phải “thân thiện” với môi trường, đừng vì lợi nhuận mà “bức tử” môi trường. Khi cơ quan quản lý nhà nước và mỗi tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất cùng nêu cao tinh thần trách nhiệm thì công tác bảo vệ môi trường mới bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu đến người dân.
MINH NHÂN