Sống nghị lực và truyền động lực
Trước khó khăn thử thách, nhiều phụ nữ đã không khuất phục mà từng bước vươn lên, xây dựng cho mình cuộc sống đủ đầy, êm ấm. Không dừng lại ở đó, họ tiếp tục truyền thêm động lực vượt khó cho nhiều người đồng cảnh ngộ.
Giàu nghị lực
Bị tác động bởi Covid-19, nhiều người gặp phải khó khăn, nhất là về kinh tế khi không thể đi làm, giảm hoặc mất thu nhập. Chị Nguyễn Thị Thảo (SN 1989, ở xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) là trường hợp như vậy. Vốn là công nhân may mặc ở TP Hồ Chí Minh, khi dịch ập đến và kéo dài, giữa năm 2021, chị Thảo quyết định về quê.
“Gia đình tôi làm nông, điều kiện kinh tế chỉ đủ ăn, đủ mặc. Do đó, để trụ lại trước cơn bão Covid-19, tôi đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mua máy may. Lo lắng lắm, nhưng mình không thể cứ ngồi chờ dịch hết, phải chủ động gầy dựng thôi”, chị Thảo chia sẻ.
Từ nhiều khó khăn bước đầu như chưa thực sự nắm rõ thị trường, loay hoay với số lao động còn chưa lành nghề, tâm lí sợ thất bại... giờ đây, cơ sở may mặc của chị đã được mở rộng, tạo việc làm cho 20 công nhân với mức thu nhập bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/ người/tháng.
Khác với chị Thảo, chị Trần Thị Thừa (SN 1982, ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) lại vất vả từ sớm. Vì chồng sức khỏe yếu, chị trở thành lao động chính trong nhà, sớm hôm mua cá, bán tôm để phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy con thơ. Vì thu nhập không ổn định nên lắm lúc, chị thấy bất lực.
Chị tâm sự, không có vốn để kinh doanh nên cuộc sống cứ bấp bênh. Mãi đến khi được chị em hàng xóm động viên, chị mới dám vay vốn để chăn nuôi gà, bò. Ngoài ra, chị còn học nghề đan nhựa giả mây. “Ban đầu cầm súng, tôi ngần ngừ không bắn vì sợ trúng tay. Cứ thế cả tháng, dần dần, tôi thành thạo kỹ thuật và quyết định mở xưởng tại nhà”, chị Thừa tâm sự về việc khởi nghiệp với nghề đan nhựa giả mây của mình như thế.
Cũng từ đó, chị Thừa trở thành “đầu tàu” cho phụ nữ trong khu phố, từ kinh doanh giỏi, chị đã giải quyết việc làm cho gần 30 chị em với thu nhập từ 4 - 6 triệu/người/tháng.
Chị Thừa (trái) đang hướng dẫn kỹ thuật cho chị Hòa. Ảnh: D.L
Cùng nhau vươn lên
Đều trải qua nhiều thử thách, khó khăn, các chị đúc kết cho mình được nhiều bài học quý giá, kinh nghiệm từ đó ngày một dày hơn. Nhờ vậy, các chị ý thức được tầm quan trọng của việc làm chủ kinh tế, nên thường xuyên động viên, đôn đốc chị em công nhân tích cực học tập, rèn nghề cho vững, cho khéo.
Chị Nguyễn Thị Hòa (ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) là một trong những phụ nữ gắn bó lâu năm với xưởng đan nhựa giả mây của chị Thừa. Để đủ tự tin mang nguyên vật liệu về nhà làm, chị Hòa đã được chị Thừa hướng dẫn kỹ thuật từng bước một, từ thắt nút, bắn súng đến đan sao cho vừa chắc, vừa đẹp.
“Có khi gặp mẫu phức tạp, không chắc cách thực hiện, tôi chạy sang gặp chị Thừa, được chị nhiệt tình chỉ dẫn ngay! Ngoài ra, bất cứ công nhân nào gặp khó khăn, cần chi phí để xoay sở trong tình huống gấp, chị Thừa cũng cố gắng ứng trước, hỗ trợ chị em”, chị Hòa bộc bạch.
Không chỉ sát cánh trong công việc, có chị còn trở thành “thành viên danh dự” trong những gia đình được mình giúp đỡ. Với ý muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, chị Nguyễn Thị Tam (SN 1972, ở phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn) đã tự tìm hiểu, đúc kết kinh nghiệm để mở cơ sở sản xuất bánh tráng. Sau nhiều trăn trở, thất bại ban đầu, cơ sở sản xuất bánh tráng Cô Tám của chị đã dần tạo được chỗ đứng trên thị trường. Nhờ đó, chị có thể tạo việc làm cho gần 10 lao động, ưu tiên các chị em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài gắn bó với nhau trong công việc, chị Tam còn hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất cho các chị em.
Chẳng hạn, chị Tam đã nhận đỡ đầu con của chị Lưu Thị Giỏi - một công nhân trong cơ sở sản xuất bánh tráng của chị. “Con tôi bị khuyết tật bẩm sinh, không thể đi lại được. Nhà lại khó khăn, chủ yếu sống dựa vào con bò giống và tiền lương hằng tháng của tôi. Hiểu được nỗi khổ đó, chị Tam thường xuyên động viên tôi cố gắng vì con và nhận đỡ đầu cháu 2 năm nay. Gia đình tôi xem chị Tam là người trong nhà là vì vậy”, chị Giỏi chia sẻ.
DƯƠNG LINH