Vận động nông dân không phơi lúa, rơm rạ trên đường
Đến hẹn lại lên, vào vụ thu hoạch lúa, trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tái diễn tình trạng nông dân lấn, chiếm lòng, lề đường để phơi lúa, rơm rạ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Trước thực trạng này, nhiều địa phương đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền nông dân không được vi phạm.
Theo lý giải của nhiều nông dân, sở dĩ họ mang lúa, rơm rạ ra các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn để phơi là do sân nhà chật hẹp. Bên cạnh đó, do thời tiết bất lợi, xảy ra mưa lớn lúc thu hoạch nên tranh thủ thu hoạch xong phải đưa ngay lên đường lộ để phơi khô, tránh ẩm ướt, hư hỏng. Một số hộ tuy có sân bê tông hẳn hoi nhưng cũng đưa lúa ra đường để phơi vì sợ phơi trong sân nhà phát sinh bụi bẩn...
Nông dân phơi lúa tại sân phơi Nhà Văn hóa thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc. Ảnh: G.N
Việc trưng dụng mặt quốc lộ, tỉnh lộ để phơi lúa vào mỗi mùa thu hoạch tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Theo ghi nhận, trên tuyến QL 19 đoạn từ TP Quy Nhơn đến huyện Tuy Phước vẫn còn tình trạng người dân chiếm dụng lòng, lề đường để phơi lúa. Nhiều năm trước đây, trên tuyến đường này đã xảy ra một số vụ TNGT dẫn đến chết người, nguyên nhân đến từ hành vi lấn, chiếm lòng đường để phơi lúa.
Ông Lê Văn Thái, lái xe tải thường xuyên chở hàng lưu thông trên tuyến QL 19, cho biết: “Cứ vào mỗi mùa thu hoạch lúa là tuyến quốc lộ này bị nông dân chiếm dụng để phơi lúa. Mỗi khi điều khiển xe lưu thông trên tuyến đường này tôi rất lo lắng, nhất là những lúc có nhiều người đi lại trên đường để quét dọn, giê, hốt lúa... Tài xế mà không tập trung quan sát, xử lý cẩn thận thì TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Theo quy định của pháp luật, hành vi phơi lúa, rơm rạ, nông sản trên đường bộ đều bị nghiêm cấm, tùy vào mức độ nguy hiểm và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Trần Quốc Cường, Đội trưởng Đội Quản lý các tuyến quốc lộ qua địa bàn Bình Định thuộc Chi cục Quản lý đường bộ III.4 (thuộc Cục Quản lý Đường bộ III, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam), cho biết: Đơn vị đã phân công cán bộ thường xuyên đi kiểm tra, tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, không được đưa lúa, nông sản ra phơi trên đường lộ. Qua công tác tuyên truyền, nhắc nhở, nhiều nông dân đã tuân thủ chấp hành, giảm thiểu tình trạng phơi lúa, nông sản trên đường. Đơn vị sẽ tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, nhắc nhở để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện lưu thông trên đường.
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước, cho hay: Huyện đã thấy sự nguy hiểm của việc đưa lúa, nông sản ra phơi trên đường lộ nên thường xuyên chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, nhắc nhở nông dân. Đồng thời, yêu cầu bố trí sân phơi tại các HTX nông nghiệp, tận dụng các sân bê tông nhà văn hóa xã, thôn để nông dân phơi lúa thuận lợi. Đối với các hộ nông dân có liên kết sản xuất giống với DN thì yêu cầu toàn bộ lúa sau khi thu hoạch được giê sạch và phơi tại các sân phơi của HTX để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Theo ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, tuân thủ sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện, thời gian qua, xã đã yêu cầu lực lượng CA xã thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường để phơi lúa; thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã về đảm bảo ATGT trên các tuyến quốc lộ. Hiện, HTX Nông nghiệp Phước Lộc đã đầu tư 600 triệu đồng xây dựng nhà máy sấy, giúp nông dân thu hoạch lúa thuận lợi khi có thời tiết xấu. Xã cam kết sẽ đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động, sớm chấn chỉnh tình trạng phơi lúa, nông sản trên đường.
GIA NGUYỄN