Thay đổi vì những điều tốt nhất cho bệnh nhân
Đối với bác sĩ CKII Phạm Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp và bác sĩ CKII Hoàng Văn Khả, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu - hai bác sĩ vừa được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân (lần thứ 13 - năm 2020) - những gì đạt được trong quá trình làm việc, cống hiến không có gì đáng nói, mà điều nhớ nhất, trăn trở nhất là những lần chưa thành công. Đó cũng là động lực để các bác sĩ tiếp tục nghiên cứu, học hỏi nhằm phục vụ bệnh nhân tốt hơn.
Ví mình như anh thợ
Là đồng môn, ra trường cùng thời điểm và cùng làm việc, cống hiến tại BVĐK tỉnh từ năm 1989 đến nay, bác sĩ CKII Phạm Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp và bác sĩ CKII Hoàng Văn Khả, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu cùng được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, đây là lần hiếm hoi bác sĩ lâm sàng được công nhận danh hiệu này và lại cùng lúc cả 2 bác sĩ, thật là đáng quý! Dù vậy, khi tôi hỏi chuyện và chúc mừng, cả hai đều khiêm nhường và cho rằng, việc bác sĩ cứu chữa bệnh nhân là điều bình thường, là nhiệm vụ, là trách nhiệm của người thầy thuốc. Điều đáng trăn trở nhất là những lúc xảy ra sai sót, là những lần không thành công.
Bác sĩ CKII Hoàng Văn Khả giới thiệu về tình trạng bệnh của bệnh nhân và kỹ thuật điều trị sẽ được triển khai.
Không nói nhiều về danh hiệu vừa được tặng, 2 bác sĩ vui vẻ giới thiệu cho tôi những kỹ thuật mới vừa và sắp triển khai, nhiệt tình phân tích những ưu điểm, tác động tích cực mà các kỹ thuật này mang lại, rồi đưa tôi đi thăm bệnh nhân, giới thiệu cặn kẽ bệnh trạng của từng người, kỹ thuật điều trị tương ứng với thể trạng.
Bà Đào Thị Bửu (65 tuổi, quê Phú Yên), đang điều trị tại Khoa Ngoại tiết niệu, cho biết: “Lần trước tôi phẫu thuật sỏi thận 1 lần, giờ bị lại nhưng sỏi quá to, các bác sĩ nói đã bị nhiễm trùng, thật sự tôi rất đau đớn. Các con tôi bảo ra Bình Định điều trị cho yên tâm và thật sự sau khi mổ nội soi xong, tôi không còn thấy đau nữa và cũng không để lại vết thương hở. Cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm”.
Tâm sự về nghề, bác sĩ CKII Hoàng Văn Khả, chia sẻ: “Hơn 30 năm trong nghề, được bệnh nhân, người nhà của họ và đồng nghiệp tin tưởng, tôi thấy mãn nguyện rồi. Trong ngần ấy năm gắn bó, đúng là có lúc vui, lúc buồn nhưng hơn hết tôi lấy niềm vui làm động lực, lấy nỗi buồn làm đòn bẩy để cố gắng hơn”.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Phú thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Ngoại tổng hợp.
Còn bác sĩ CKII Phạm Văn Phú, thì tâm sự: “Thôi cứ xem mình như anh thợ sửa xe đi, người ta mang xe đến sửa, mình phải sửa tốt cho người ta đi lại là chuyện bình thường, không có gì đáng nhớ. Nhưng người ta mang xe tới hy vọng sửa ngon lành để đi mà mình sửa không được, lại tệ hơn mới là đáng nhớ. Có những lần làm cứ tưởng là “chắc như bắp” nhưng vẫn có những chuyện ngoài ý muốn, không ngờ xảy ra. Do vậy, ngoài việc nhanh chóng nắm bắt, triển khai những kỹ thuật mới có lợi cho bệnh nhân để chỉ xâm lấn tối thiểu mà giải quyết được vấn đề tối đa, mình phải phấn đấu nhiều hơn, phối hợp chặt chẽ giữa các khâu để hạn chế thấp nhất sai sót”.
Mải miết trên con đường nghiên cứu, học hỏi
Khoa học kỹ thuật thay đổi và phát triển không ngừng, do vậy, bên cạnh việc khám, chữa bệnh, các bác sĩ cũng luôn nghiên cứu, học hỏi, cập nhật những kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Tính từ khoảng năm 2015 đến nay, bác sĩ Phạm Văn Phú đã có các đề tài như: Ứng dụng phẫu thuật nội soi cắt lách với dao điện đơn cực điều trị các bệnh lý có chỉ định cắt lách ở trẻ em; Quy trình kỹ thuật cắt khối tá tụy với nối tụy - ruột bằng quai hỗng tràng biệt lập; Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý ngoại khoa trong ổ bụng trẻ em; Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi cắt dạ dày do ung thư…
Dù vậy, khi tôi hỏi về các sáng kiến, bác sĩ Phạm Văn Phú chia sẻ: Nếu nói về sáng kiến tâm đắc thì hôm nay tâm đắc, ngày mai sẽ hết. Ngày tôi mới ra trường, khi phẫu thuật cho bệnh nhân nhi, các bác sĩ hay mổ một đường dài, mổ nhi theo kiểu của người lớn, nhưng cũng có nhiều khuyến cáo rằng trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Thời gian đó, ngoài vết mổ hở lớn, các cháu còn phải dùng nhiều kháng sinh. Khi tôi đi học chuyên về nhi khoa thì thấy rằng người ta đâu có mổ theo nguyên lý của người lớn. Rồi trước tình trạng lạm dụng kháng sinh, có chuyên gia gợi ý chúng tôi làm đề tài hạn chế sử dụng kháng sinh vì kháng sinh có nhiều tác hại quá. Và chúng tôi đã triển khai đề tài đó, từ chỗ bệnh nhân mổ phải nằm viện 7 ngày, thay băng, tiêm thuốc hằng ngày và phải dùng 2 loại kháng sinh, chuyển sang dùng 1 liều kháng sinh hoặc không dùng kháng sinh, đường mổ chỉ 2 cm, không thay băng, cắt chỉ và có thể về nhà nhanh chóng. Đó là thay đổi mà tôi thấy cũng khá hài lòng. Rồi sau đó, có kỹ thuật nội soi ở trẻ em. Cứ thế, kỹ thuật luôn luôn thay đổi và mình không thể đứng im được. Bây giờ thật sự nhìn lại thì điều hài lòng chưa chắc đã nhiều mà có thể điều không hài lòng lại nhiều hơn. Dù vậy, điều gì tôi học được sẽ cố gắng ứng dụng triển khai trong tầm tay của mình. Ban đầu cứ nhen nhóm lên rồi anh em bác sĩ khác sẽ cùng làm với mình. Ở những nơi có điều kiện, người ta làm khoảng 10 thì mình làm tầm 5 - 6 rồi hoàn thiện dần dần lên.
Cùng nhận định với bác sĩ Phú, bác sĩ Hoàng Văn Khả cũng cho rằng: Khoa học kỹ thuật càng phát triển, nhu cầu con người ngày càng cao, mình phải tìm những phương pháp, những cách điều trị tốt nhất để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc bệnh nhân. Các bác sĩ phải làm sao có những kỹ thuật ít xâm lấn, đem lại hiệu quả cao, sức khỏe tốt cho bệnh nhân. Ví dụ vết mổ dài gây đau đớn, thời gian hồi phục lâu, phải 3 tháng sau mới đi làm lại được, bây giờ mổ xong có thể về ngay và 2 - 3 ngày sau có thể đi làm lại bình thường. Việc rút ngắn thời gian điều trị và nằm viện, hòa nhập cuộc sống xã hội nhanh đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh và điều đó ai cũng có thể thấy được.
THẢO KHUY