BIDIPHAR đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn dược phẩm quốc tế
Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (BIDIPHAR) vừa công bố nghiên cứu thành công thuốc viên điều trị ung thư, sau thành công của dạng thuốc tiêm bào chế trước đó. Thầy thuốc Nhân dân Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc BIDIPHAR, cho hay sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng dòng sản phẩm này lên tiêu chuẩn châu Âu (GMP-EU) để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn dược phẩm quốc tế.
● Từ DN dược đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị ung thư cho đến thành công này có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
- Tiếp theo thành công từ các sản phẩm điều trị ung thư dạng tiêm, năm 2014, BIDIPHAR nghiên cứu thuốc điều trị ung thư dạng viên. Đến cuối năm 2021, quy trình công nghệ sản xuất thuốc viên Anastrozole, Letrozole, Capecitabine để điều trị ung thư đã được nghiệm thu. Đây là một trong những đề tài cấp Nhà nước nằm trong dự án khoa học “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ để sản xuất một số thuốc dùng điều trị ung thư tại Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định”.
Cùng với việc nghiên cứu quy trình công nghệ, BIDIPHAR đã đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất thuốc viên điều trị ung thư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, dự kiến hoàn thành và mời Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO) vào quý III/2022. Sau khi được Bộ Y tế cấp số đăng ký, BIDIPHAR chính thức cung ứng sản phẩm đặc trị ung thư dạng viên cho các bệnh viện.
Như vậy, BIDIPHAR hiện là DN Dược Việt Nam đầu tiên và lớn nhất trong việc cung ứng thuốc điều trị ung thư cho hầu hết bệnh viện trên toàn quốc, đặc biệt các bệnh viện ung bướu tuyến đầu như: Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai… Chất lượng tương đương sản phẩm ngoại nhập, dòng thuốc điều trị ung thư của BIDIPHAR giúp mở ra cơ hội cho bệnh nhân được điều trị với chi phí phù hợp.
● Vậy BIDIPHAR có chiến lược gì để thay thế thuốc điều trị ung thư ngoại nhập?
- Chúng tôi xem việc phát triển dòng sản phẩm này vừa là chiến lược phát triển vừa là trách nhiệm xã hội của DN với cộng đồng.
Cùng với dòng sản phẩm thuốc tiêm đã được các bệnh viện tin dùng gần 10 năm qua, hiện chúng tôi chuẩn bị ra đời dòng thuốc viên với những công nghệ tiên tiến như tác dụng tới đích, tác dụng tại chỗ... giúp tăng hiệu quả của thuốc, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
BIDIPHAR là DN dược Việt Nam đầu tiên và lớn nhất trong cung ứng thuốc điều trị ung thư cho hầu hết các bệnh viện.
BIDIPHAR cũng đang mời cơ quan quản lý dược châu Âu cấp chứng nhận GMP-EU cho nhà máy thuốc điều trị ung thư để chứng minh tiêu chuẩn chất lượng và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn dược phẩm quốc tế.
● Nhưng thực tế, hàng ngoại nhập và các thương hiệu nước ngoài vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường dược phẩm…
- Hiện các thuốc được sản xuất bởi các công ty dược trong nước nói chung và BIDIPHAR nói riêng đều được tham chiếu theo công thức sản xuất và hướng dẫn sử dụng của những nước tiên tiến trên thế giới, tiêu chuẩn sản xuất cập nhật liên tục theo phiên bản mới nhất của dược điển Mỹ, Anh, châu Âu... Với nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, nhiều sản phẩm tại BIDIPHAR được đánh giá công nhận tương đương sinh học với thuốc gốc như: Bifumax 125, Soli-Medon 16, Bicebid 200, Amlodipin 5mg…
Sau thuốc tiêm bào chế, BIDIPHAR tiếp tục thành công với thuốc viên điều trị ung thư.
Tôi cho rằng, sản phẩm thuốc sản xuất trong nước từ các công ty dược lớn, uy tín thì chất lượng không thua kém sản phẩm ngoại nhập. Tuy nhiên, thuốc sản xuất trong nước vẫn đa phần là thuốc thông thường, ít thuốc đặc trị. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ với đối tác là các viện, trường, tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới để sản xuất một số dòng sản phẩm đặc trị công nghệ cao, dạng bào chế tiên tiến.
● Là một trong những DN tốp đầu Việt Nam về dược phẩm, BIDIPHAR đang có ý định mở rộng sang lĩnh vực Đông y?
- Nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc hiện phải nhập khẩu đến 90%, chủ động nguồn nguyên liệu từ dược liệu sản xuất trong nước là một định hướng trong chiến lược phát triển ngành dược của Việt Nam. Việc nuôi trồng dược liệu và phát triển thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ dược liệu cũng là xu hướng tiêu dùng trên thế giới. Nước ta có nhiều cây thuốc quý, nhưng dược liệu trong nước mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu.
Để đảm bảo chất lượng và chủ động nguồn nguyên liệu, từ năm 2015, BIDIPHAR đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng dược liệu theo tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) tại xã An Toàn (An Lão). Chúng tôi đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận có 4 dược liệu được trồng, chăm sóc, thu hái, chiết xuất đạt GACP-WHO là thìa canh, cà gai leo, chè dây, đương quy; năm 2022 tiếp tục mời Bộ Y tế đánh giá công nhận cho 4 cây dược liệu: Đinh lăng, đảng sâm, ba kích, hà thủ ô.
BIDIPHAR cũng đã cho ra đời hơn 10 sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu sạch nêu trên, bước đầu được bệnh nhân sử dụng đánh giá tốt.
● Xin cảm ơn bà và chúc BIDIPHAR ngày càng phát triển!
HOÀNG ANH