Ðưa công nghệ UFB vào bảo quản cá ngừ đại dương: Nâng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế
Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Ðịnh tập trung đầu tư cho lĩnh vực khai thác và nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Theo đó, Sở NN&PTNT giao Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thí điểm mô hình bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ tạo bọt khí nano (UFB), từng bước triển khai dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Ðịnh.
Khai thác cá ngừ đại dương chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động khai thác thủy sản tại Bình Định. Toàn tỉnh hiện có 3.200 tàu khai thác xa bờ, trong đó có gần 1.500 tàu cá chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, sản lượng cá ngừ đại dương đạt 3.265 tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngư dân Bình Định tiếp cận và từng bước áp dụng công nghệ mới trong bảo quản cá ngừ đại dương, tăng chất lượng sản phẩm, tăng giá bán. Ảnh: THU DỊU
Xác định cá ngừ đại dương là mặt hàng chủ lực trong khai thác và chế biến thủy sản, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng đầu tư vào nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, tăng giá bán, giúp ngư dân tăng thu nhập, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT giao Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông phối hợp lựa chọn các tàu cá đủ điều kiện để xây dựng mô hình bảo quản cá ngừ bằng công nghệ bọt khí nano (UFB); dự kiến lựa chọn khoảng 30 chủ tàu cá triển khai thí điểm, mỗi tàu cá được hỗ trợ 40% chi phí, tương ứng khoảng 40 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy và hầm bảo quản.
Ngay trong quý II/2022, Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Khuyến nông lựa chọn 2 tàu cá triển khai thí điểm mô hình, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ UFB cho ngư dân.
Đánh giá của Sở NN&PTNT, hiện các tàu câu cá ngừ đại dương của Bình Định đã sử dụng một số thiết bị, công nghệ hiện đại như: Máy tạo xung Tuna Shocker để làm ngất cá, bảo quản cá bằng cách xả tiết, lấy nội tạng trước khi đưa vào hầm đá… Nhờ đó chất lượng cá đã cao hơn so với cách làm trước đây. Cùng với đó, việc đưa công nghệ UFB vào bảo quản giúp ngư dân nâng chất lượng cá lên thêm một cấp nữa.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: “Công nghệ bảo quản sau thu hoạch giúp ngư dân giải được bài toán nâng chất lượng, tăng thu nhập trong bối cảnh ngư trường khai thác nghèo dần về nguồn lợi thủy sản, số lượng khai thác được không bù đủ phí tổn ra khơi. Trong chuyến biển dài 15 - 25 ngày, việc bảo quản cá ngừ đại dương theo kiểu truyền thống làm chất lượng cá giảm sút, giá mua không cao. Trong khi đó, áp dụng công nghệ mới, chất lượng cá đạt mức A nhiều hơn, giá bán cao từ 10 - 15% so với giá mua “sô” của thị trường, lợi nhuận tăng thêm cho ngư là ở đây. Việc chuyển giao kỹ thuật bảo quản cá ngừ bằng công nghệ UFB giúp ngư dân từng bước phát triển nghề cá có trách nhiệm, ngư dân học về kỹ thuật dưới sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, đảm bảo quy trình đánh bắt, bảo quản, ổn định chất lượng cá khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.
Theo ngư dân Nguyễn Văn Trạng, chủ một tàu câu cá ngừ đại dương ở Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), công nghệ UFB giúp ngư dân bảo quản cá ngừ đại dương trong thời gian dài hơn, độ tươi tốt hơn. “Để áp dụng công nghệ này, hầm bảo quản cá cần thay đổi theo thiết kế phù hợp; cá được bảo quản trong hầm bằng cách móc thẳng đứng, tiết kiệm không gian, thời gian trong bốc dỡ; chất lượng cá đạt tỷ lệ loại A tăng lên, giá bán cao hơn, lợi nhuận mỗi chuyến biển tăng lên. Điều quan trọng khi đầu tư công nghệ này là ngư dân chúng tôi mong muốn tham gia các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm”, ông Trạng cho biết.
THU DỊU