Công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh: Hy vọng có nhiều chuyển biến
Tuy triển khai khá sớm nhưng hiệu quả công tác sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tại Bình Ðịnh còn thấp. Hiện tỉnh đang chuẩn bị để triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, trong đó có công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh.
Tỷ lệ sàng lọc thấp
Từ năm 2009, Bình Định đã là 1 trong 7 tỉnh miền Trung đầu tiên thí điểm chương trình sàng lọc trước sinh (SLTS), sàng lọc sơ sinh (SLSS). Đến năm 2011, công tác SLTS, SLSS chính thức được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ dừng lại ở bệnh viện công và cho các đối tượng theo Thông tư liên tịch số 20/2013, gồm: Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có công cách mạng, người dân tộc thiểu số sống tại các xã đặc biệt khó khăn, người dân ở các xã thuộc Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển.
Lấy mẫu sàng lọc cho trẻ sơ sinh. Ảnh: Đ. THẢO
Tại chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020, đối tượng được hỗ trợ thực hiện dịch vụ SLTS, SLSS là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân sống tại các vùng có nguy cơ cao, vùng nhiễm chất độc đioxin và chưa có thẻ BHYT. Tuy nhiên, theo chương trình, các cơ sở y tế công lập chỉ mới tiếp cận được các đối tượng trong chương trình hỗ trợ. Mặt khác, các đối tượng được hỗ trợ lại không khám thai ngay từ đầu tại cơ sở y tế nên việc theo dõi để triển khai sàng lọc đúng thời gian còn nhiều hạn chế.
Vì điều kiện tiếp cận các cơ sở công lập hạn chế nên đa số thai phụ thực hiện SLTS tại các cơ sở y tế tư nhân. Chị Nguyễn Thị Hiệp, 29 tuổi, ở huyện Tuy Phước, thực hiện SLTS tại 1 cơ sở y tế tư nhân tại TP Quy Nhơn, cho biết: Tôi đi khám thai thì được các bác sĩ tư vấn về tác dụng của SLTS và hướng dẫn thời gian để đến làm sàng lọc. Hy vọng thai nhi khỏe mạnh, chờ ngày mẹ tròn con vuông.
Sau khi kết thúc chương trình mục tiêu về y tế - dân số, năm 2021 đến nay, Bình Định chưa thể thống kê được hoạt động thực hiện SLTS, SLSS. Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Tỷ lệ SLTS, SLSS còn thấp, điều này đặt ra thách thức rất lớn trong thời gian tới. Việc chưa thống kê được hoạt động sàng lọc là một thiếu sót rất lớn. Hy vọng thời gian đến sẽ có cơ chế, chính sách quản lý để SLTS, SLSS được thực hiện đầy đủ, hiệu quả.
Hy vọng có nhiều chuyển biến
Theo ông Nguyễn Văn Quang, trước đây, khi còn chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020, chính sách SLTS, SLSS miễn phí cho một số đối tượng tạo được khá nhiều tác động tích cực. Tuy nhiên từ 2021, khi chính sách này không còn nữa, theo chỉ đạo của tỉnh và Sở Y tế, để phát huy những tác động tích cực đã có, Chi cục DS-KHHGĐ cùng các ban, ngành, đoàn thể đang xây dựng chính sách dân số và phát triển theo chương trình nghị sự đã được HĐND tỉnh thông qua.
Theo đó, Chi cục tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh danh sách những đối tượng được hỗ trợ SLTS, SLSS miễn phí với các điều kiện, tiêu chí giống giai đoạn cũ. Chi cục đang lập kế hoạch đầy đủ để phối hợp với Trường ĐH Y Dược Huế (đơn vị thực hiện sàng lọc), TTYT các huyện, thị xã, thành phố triển khai vấn đề này. Kinh phí mẫu sàng lọc được Trung ương hỗ trợ, kinh phí để thực hiện cho các đối tượng miễn phí do ngân sách tỉnh chi trả.
Việc thực hiện tư vấn và tầm soát trước sinh, tầm soát sơ sinh không chỉ là chuyện cá nhân của gia đình mà là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi.
Ông Nguyễn Văn Quang cho biết thêm: Bình Định hết sức quan tâm công tác SLTS, SLSS nhưng khó nhất là mục chi thì có nhưng định mức chi Trung ương chưa hướng dẫn. Chúng tôi mong muốn Bộ Y tế sớm tham mưu Bộ Tài chính ban hành định mức chi để chúng tôi tham mưu cho tỉnh nhằm có thể thực hiện công tác SLTS, SLSS đầy đủ và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình, cộng đồng về tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh.
ÐỖ THẢO