Ai về Bình Tân hôm nay
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh thôn, ông Huỳnh Văn Tứ, Trưởng thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) kể: Trước đây dân chúng tôi gần như chỉ độc canh cây lúa, cây mì, nuôi bò thì thả rông, đời sống lúc nào cũng chật vật; nhưng chỉ sau mấy năm tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, mọi thứ đã khác hẳn. Đầu tiên là bà con đã làm quen và biết cách áp dụng nhiều tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển từ sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc, thôi trồng mì chuyển sang trồng đậu phụng, bắp, các loại dưa - đặc biệt là dưa lưới… Tất cả đều đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Trong chăn nuôi thì tập trung phát triển đàn bò thịt chất lượng cao. Hiện đàn bò của thôn có gần 1.000 con, hầu hết là bò lai.
Một góc xã Bình Tân hôm nay. Ảnh: ĐINH NGỌC
6 tháng trước, trên con đường đất dài 13 km từ trung tâm xã Bình Tân vào làng M6, tôi bị ngã xe, do đường trơn, bùn lún. Giờ đây trước mắt tôi là con đường bê tông phẳng phiu rộng rãi. Người xã khác khi nhắc đến Bình Tân bây giờ hay bảo, cứ xem làng M6 lột xác ra sao thì biết Bình Tân đổi khác thế nào.
Nghe tôi kể chuyện này, ông Hồ Sỹ Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân, cho hay, M6 là làng khó khăn nhất xã, dân trong làng chủ yếu là bà con Bana. Nhưng từ khi có con đường, bà con hăng hái sản xuất hẳn, M6 thay đổi rất nhanh. Còn ông Đinh Cao, Bí thư chi bộ thôn M6, chia sẻ: Ở làng tôi giờ điện - đường - trường - trạm được đầu tư đồng bộ, dân làng thay đổi hẳn từ nếp ăn kiểu nghĩ. Mọi người nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là con đường bê tông. Cán bộ bảo đến lớp học kỹ thuật trồng trọt mới thì ai cũng vui vẻ đến học và cùng nhau áp dụng.
Năm 2013, Bình Tân bước vào xây dựng xã nông thôn mới với nhiều khó khăn, khi chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Sau 8 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay xã có 120/151 tuyến đường giao thông đạt mức từ cứng hóa trở lên, đảm bảo nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa quanh năm cho nhân dân; có 25/38 tuyến kênh mương nội đồng được bê tông hóa; 3/3 trường học đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 2,89%; bình quân thu nhập đạt 43,2 triệu đồng/người/ năm, tăng 26,2 triệu đồng so với năm 2013.
Bình Tân đã cán đích nông thôn mới từ cuối năm 2021 nhưng mọi việc không hề dừng lại. Ông Hồ Sỹ Lai cho hay, nay Bình Tân đã khác hẳn nhờ tỉnh, huyện hỗ trợ, nhiều cán bộ về cầm tay chỉ việc đến khi bà con thuần thục mới thôi. Chúng tôi tiếp tục phát huy khí thế, tinh thần phấn khởi của bà con để nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được.
ĐINH NGỌC