Sáng tác cho thiếu nhi: Cần thêm những trợ lực
Sáng tác văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi đã thu hút nhiều tác giả Bình Định tham gia. Trong đó, nổi bật nhất là hai mảng âm nhạc và văn học, đã có những “điểm sáng” nhất định.
Tuy nhiên do tính riêng lẻ, thiếu kết nối, thiếu sự hỗ trợ đủ mạnh, đến nay các tác phẩm dành cho thiếu nhi vẫn chưa lan tỏa, phổ biến sâu rộng như mong muốn.
1. Về mảng văn học, những năm gần đây, một số tác giả trẻ đang sinh sống và làm việc tại Bình Định có nhiều tác phẩm ra mắt bạn đọc. Đơn cử, năm 2019, có tập thơ thiếu nhi kết hợp giữa thơ và tranh vẽ - tập Lá (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019) của tác giả Mai Đậu Hũ (tên thật là Phạm Thị Tuyết Mai, quê ở TP Quy Nhơn). Tập sách xoay quanh thế giới sinh học. Sách được Quỹ cộng đồng AVIVA tài trợ chi phí in ấn, phát hành.
Đầu năm 2022, 2 tác giả Thùy Trang và Mộc An đã xuất bản tập truyện thiếu nhi Đậu Đậu Sâu Sâu & Be Bé (NXB Đà Nẵng & TYM). Trước tập sách này, riêng tác giả Thùy Trang đã in tập truyện thiếu nhi Xương cá biết nói (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2020). Cuốn sách này đã đạt Giải thưởng Tác giả Trẻ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Các tác giả sáng tác cho thiếu nhi, lần lượt từ trái qua: Mai Đậu Hũ, Thùy Trang, Mộc An gặp gỡ, chuyện trò về vấn đề sáng tác cho thiếu nhi. Ảnh: VÂN PHI
“Sáng tác cho thiếu nhi không dễ, đã vậy còn khó phát hành. Nhưng đây là địa hạt mà mỗi chúng tôi đều muốn gửi gắm những yêu thương dành cho con trẻ, thông qua những con vật dễ thương, những mẩu chuyện nhỏ về ứng xử hằng ngày để gieo những điều thiện lành, ý nghĩ tích cực, đắp bồi tâm hồn trong sáng, yêu thương dành cho con trẻ”, tác giả Mộc An bộc bạch.
2. Đầu năm 2022, nhà văn Bùi Thị Xuân Mai đã cho ấn hành tập truyện thiếu nhi Tam thể và cún con. Đây là lần đầu tiên chị giới thiệu đến bạn đọc một tác phẩm dành cho thiếu nhi.
Nhà văn Xuân Mai tâm sự: “Tôi bắt đầu sáng tác truyện thiếu nhi từ năm 1988. Ban đầu, ý định chủ yếu là viết cho con gái. Một số sáng tác có in trong vài tạp chí văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Năm 1994, tôi dự trại sáng tác cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội, lúc ấy có vẻ được động viên hơn nên giữ nhịp độ viết. Viết ra những câu chuyện ấy, tôi mong con cháu mình biết yêu thương, không ích kỷ với bạn bè, yêu thiên nhiên, siêng năng, chăm ngoan; sống chân thật; để con hiểu rằng, dối trá, lười biếng không ai ưa, độc ác sẽ bị trừng phạt...”.
Để trợ lực cho việc sáng tác văn học cho thiếu nhi, Hội VHNT Bình Định đã tổ chức nhiều tọa đàm, gặp gỡ. Đầu tháng 4.2022, Chi hội Văn học (Hội VHNT tỉnh Bình Định) và đại diện Ban tổ chức cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu văn học về đề tài thiếu nhi, mổ xẻ nhiều vấn đề về sáng tác, quan tâm đến thế giới trẻ thơ hiện nay. Nhiều chuyên trang của tạp chí Văn nghệ Bình Định, tập san Mục đồng mở chuyên mục Văn học thiếu nhi...
3. Bình Định có nhiều nhạc sĩ dành tâm huyết cho thiếu nhi như Lý Anh Võ, Vũ Thành, Lê Trọng Nghĩa, Trần Ngọc Sơn… Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua chưa tác giả nào có tuyển nhạc riêng cho thiếu nhi. Đến năm 2020, mới có tập ca khúc Mỗi ngày một điều hay (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Lê Trọng Nghĩa. Tập nhạc gồm 50 ca khúc, hầu hết được Lê Trọng Nghĩa phổ từ thơ, đồng dao, hoặc từ ý một bài thơ nào đó. Tập sách này đã tạo dấu ấn khi đạt giải B (không có giải A) giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2021.
Chị Nguyễn Ngọc Anh Thy, chủ nhiệm CLB Búp sen hồng ở TX An Nhơn, chia sẻ: “Bên cạnh định hướng các bé hát các ca khúc dành cho thiếu nhi, chúng tôi còn cho các bé tập hát những bài hát của một số nhạc sĩ Bình Định để góp phần lan tỏa những ca khúc này đến với các bạn khác”. Tuy nhiên, có một điều dễ thấy rằng, các chương trình phổ biến ca khúc nhạc thiếu nhi chưa nhiều.
Trước đây, có một số hoạt động như liên hoan Tiếng hát tuổi thơ (do Sở VH-TT phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức), liên hoan Búp Sen Hồng (do CLB Búp Sen Hồng tổ chức) nhưng những năm gần đây, các hoạt động trên đều ngưng trệ vì nhiều lý do trong đó có dịch bệnh. Điều an ủi là chương trình Tạp chí Tuổi thơ và Văn nghệ thiếu nhi của Đài PT-TH Bình Định vẫn duy trì đều đặn suốt hơn 10 năm qua, đề cập nhiều khía cạnh về thiếu nhi, trong đó có các chương trình đầu tư công phu về văn học, sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi.
4. Sáng tác văn học cho thiếu nhi ở Bình Định những năm gần đây có những điểm sáng đáng kể. Tuy nhiên, để tác phẩm dành cho thiếu nhi lan tỏa rộng, có sức sống lâu bền rất cần những trợ lực đồng bộ từ nhiều kênh. TS Lê Nhật Ký (Trường ĐH Quy Nhơn) tâm sự: “Tôi nghĩ ngoài việc đưa các sáng tác vào nhà trường, cần có những chương trình thiết thực dành cho thiếu nhi trên truyền hình, các kênh thông tin đại chúng để tạo sức lan tỏa nhiều hơn. Cần có thêm những buổi gặp gỡ, trao đổi, tọa đàm, thậm chí là cuộc vận động sáng tác và kế hoạch quảng bá tác phẩm cho thiếu nhi. Tôi cũng nghĩ các tác giả nên chủ động và tích cực chia sẻ các sáng tác của mình. Đặc biệt, là đầu tư nhiều hơn vào sáng tác, vì một sản phẩm nghệ thuật tốt, cơ hội chuyển tải và phổ biến ra cộng đồng sẽ lớn hơn rất nhiều”.
NGÔ PHONG