Thắm tình đoàn kết, đượm nghĩa đồng bào
Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XVI - năm 2022 đã khép lại sau 3 ngày (16 - 18.6) tranh tài, giao lưu sôi nổi, thắm đượm tình nghĩa đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Đậm bản sắc dân tộc
5 phần thi và 2 hoạt động giao lưu văn hóa trong Ngày hội đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Được nhiều người chờ đợi nhất là phần thi trình diễn lễ hội dân gian của từng dân tộc.
Với đồng bào Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh, lễ đón thần lúa về làng khi bà con bắt đầu vào mùa thu hoạch rất quan trọng. Già làng Đinh Kim, ở làng M2, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh), cho biết: “Theo tập tục truyền thống, trước khi vào mùa thu hoạch lúa rẫy, từng gia đình và làng tiến hành tổ chức lễ đón thần lúa về làng. Đây là dịp báo cho các vị thần Yang, sau một năm lao động vất vả nay đã đến mùa thu hoạch. Lễ vật dâng các thần là con heo, con gà và nhiều ché rượu cần cùng cốm mới, cơm mới, mời các vị thần đến tham gia cùng gia đình, với làng để ăn cốm mới, uống rượu cần và cùng vui chơi đánh cồng, đánh chiêng, múa, hát với dân làng…”.
Lễ mừng cơm mới của đồng bào Bana huyện Tây Sơn.
Người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh có rất nhiều lễ hội, như: Cầu mưa, ăn heo ký, cúng thần làng…, điểm chung của các lễ hội là tạo sự gần gũi, đoàn kết trong cộng đồng với nhau. Già làng Lê Văn Ru, ở khu phố Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) chia sẻ: “Chuẩn bị cho buổi lễ mừng nhà mới, gia đình Chăm H’roi sẽ dựng cây nêu, làm gà, giữ lại tiết để hòa chung với rượu. Trong đó, phần lễ chỉ cần có một con gà trống, phần hội gia đình sẽ mừng, đãi bà con thân thích, xóm giềng xung quanh, như: Bò, hoặc dê, hoặc heo. Đây là cách thể hiện lòng biết ơn của con người với thần linh của người Chăm H’roi”.
Hằng năm, vào tháng 11 và 12 dương lịch, khi hạt lúa, hạt bắp đã được đem cất kỹ là lúc các gia đình đồng bào H’re ở huyện An Lão làm lễ cúng mở kho lúa. Lễ cúng có mục đích xin thần kho, thần lúa đừng hoảng sợ, cầu mong thần lúa yên tâm ở lại với gia đình, giúp họ luôn no đủ, không phải thiếu đói, không phải ăn củ, ăn khoai… Em Đinh Thị Thùy Linh, 15 tuổi, ở thôn 2, xã An Vinh (An Lão), người tham gia lễ cúng mở kho lúa, bộc bạch: “Em rất tự hào khi tham gia vào lễ hội và được giới thiệu đến mọi người những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Từ lễ hội, thế hệ trẻ như chúng em hiểu hơn, quý hơn về thành quả lao động”.
Giữ gìn nghề truyền thống, sản phẩm du lịch
Phần thi dệt thổ cẩm truyền thống với sự tham gia của 6 nghệ nhân đại diện các địa phương cũng thu hút nhiều người đến xem. Với đôi tay khéo léo, thành thục, các nghệ nhân tỉ mẩn trên từng đường kim, mũi chỉ để dệt nên những tấm thổ cẩm mang hoa văn độc đáo, có tính kế thừa sản phẩm nghề truyền thống.
Các nghệ nhân tỉ mẩn dệt thổ cẩm.
Đã hơn 70 tuổi nhưng bà Đinh Thị Nghị, ở thôn 1, xã An Toàn (An Lão) vẫn vui vẻ nhận lời đại diện cho huyện An Lão tham dự phần thi dệt thổ cẩm truyền thống. Bà phấn khởi: “Tôi rất vui vì đây là lần đầu tiên được tham gia Ngày hội! Lớn tuổi, dệt tay chân chậm hơn lớp trẻ là đương nhiên rồi, nhưng mình được huyện chọn đi thi nên chủ yếu lấy tinh thần giao lưu văn hóa là chính”.
Nội dung giao lưu văn hóa ẩm thực giữa các đoàn cũng mang đến cho người xem nhiều sự hồ hởi, thú vị. Nhiều sản vật, đặc sản của đồng bào H’re (huyện An Lão), đồng bào Bana (các huyện: Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát, Vĩnh Thạnh) và đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh, như: Thịt heo đen nướng ống lam chấm muối ớt, cây cọ rừng hầm với xương heo, đọt mây rừng luộc chấm muối ớt, cơm gạo rấy, sóc đỏ dạ nướng chấm muối ớt, lá mì xào, cá niên, rau dớn… cùng rượu cần được chế biến công phu, giới thiệu trực tiếp đến công chúng.
Vui ngày gặp gỡ
Nghệ nhân nhân dân Đinh Chương, ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), chia sẻ: “Mình đến đây để tham gia tái hiện lễ đón thần lúa về làng của đồng bào Bana Kriêm. Mình rất vui khi được giới thiệu đến mọi người về một phong tục lâu đời của dân tộc. Mình vui và mong muốn sẽ có thêm nhiều dịp để được gặp gỡ, giới thiệu về những cái hay, cái đẹp của đồng bào mình đến mọi người”.
Là địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội, ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Tuy còn có những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, nhưng chúng tôi đã nỗ lực tổ chức thành công hoạt động VH-TT đầy ý nghĩa này. Để tham gia Ngày hội đạt kết quả cao, huyện đặc biệt quan tâm, đầu tư và vận động các nghệ nhân, diễn viên, VĐV tham gia nhiệt tình các nội dung của Ngày hội dựa trên kịch bản đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng trước đó”.
Đốt lửa trại trong đêm giã bạn Ngày hội.
Ngày hội đã khép lại nhưng tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng đàn, lời ca, nhịp điệu múa xoang uyển chuyển của các cô gái, chàng trai Bana, H’re và Chăm H’roi vẫn còn lan tỏa. Qua Ngày hội, chúng ta càng thấy việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số là quan trọng, cần được phát huy để qua đó làm tươi thắm thêm tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc.
Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XVI - năm 2022 quy tụ hơn 600 nghệ nhân, diễn viên, VĐV của 6 đoàn VH-TT các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Vân Canh, Tây Sơn tham gia.
Kết quả toàn đoàn, huyện Vĩnh Thạnh đạt giải nhất, huyện An Lão và Vân Canh đạt giải nhì, các huyện: Tây Sơn, Hoài Ân và Phù Cát đạt giải ba.
- Phần thi trại đẹp: Huyện An Lão đạt giải nhất.
- Phần thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng: Huyện Vĩnh Thạnh đạt giải nhất.
- Trình diễn lễ hội dân gian: Huyện Vân Canh đạt giải nhất.
- Phần thi người đẹp miền núi: Huyện Vân Canh và Hoài Ân đạt giải nhất.
- Phần thi dệt thổ cẩm: Huyện Hoài Ân đạt giải nhất.
TRỌNG LỢI - NGỌC NHUẬN