Những chiếc tai lửa trên đền tháp Champa
Trong kiến trúc đền tháp Champa tại Bình Định, điêu khắc hình tai lửa được sử dụng khá nhiều. Khi nghiên cứu về kiến trúc đền tháp Champa, các nhà khảo cổ học cho rằng những trang trí đất nung này dường như là minh họa cho hình ảnh của một tia lửa (tai lửa) và thường đi kèm theo cụm dọc theo điểm góc của một bộ phận kiến trúc tháp, trong đó vị trí sử dụng nhiều nhất là phần rìa góc của vòm cửa chính, cửa giả trên các tầng tháp. Đa phần các tháp Chăm ở Bình Định là thờ thần Shiva - vị thần tượng trưng cho sự phá hủy, hủy diệt trong 3 ngôi thần tối cao (Brahma, Shiva và Visnu). Chính vì vậy, hình ảnh ngọn lửa thường được gắn liền với vị thần này.
Sau các cuộc khai quật khảo cổ học tại tháp và phế tích tháp ở Bình Định, các nhà khoa học thu được số lượng khá lớn những tai lửa bằng đất nung và số lượng tương đối những tai lửa bằng chất liệu đá sa thạch. Tai lửa bằng đất nung phát hiện nhiều qua các cuộc khai quật tháp Bánh Ít, phế tích tháp Xuân Mỹ (Tuy Phước); phế tích tháp Lai Nghi, phế tích tháp Rừng Cấm (Tây Sơn)… Bên cạnh đó, cũng phát hiện được số lượng khá nhiều tai lửa bằng chất liệu đá sa thạch tại các cuộc khai quật các tháp: Bánh Ít, Bình Lâm, Rừng Cấm…
Tai lửa bằng chất liệu đá sa thạch lồng ghép hình Makara phát hiện tại phế tích tháp Mẫm. Ảnh:N.V.T
Đối với tai lửa bằng chất liệu đất nung thì khá phong phúvề loại hình và kỹ thuật chế tác. Có loại chạm hoa văn hai mặt, có loại chỉ chạm hoa văn một mặt; có loại hoa văn chạm lộng (lủng), có loại để khối đặc, chỉ chạm hoa văn nổi. Dù là loại nào đi nữa thì tai lửa vẫn phải gồm hai phần là phần chạm hoa văn uốn cong hình tia lửa và phần chuôi để trơn để gắn vào vị trí trên tháp. Tai lửa bằng chất liệu đất nung được sử dụng khá phổ biến trên nhiều kiến trúc đền tháp Champa tại Bình Định.
Tai lửa bằng chất liệu đá sa thạch thường được sử dụng ít hơn trong các kiến trúc Champa tại Bình Định. Tai lửa bằng đá sa thạch thường chỉ gồm hai loại là chạm hoa văn một mặt và chạm hoa văn hai mặt. Hoa văn hình tia lửa về cơ bản vẫn giống như tai lửa làm bằng chất liệu đất nung, tuy nhiên do chạm khắc trên chất liệu đá sa thạch khô cứng nên các đường nét hoa văn không được mềm mại, uyển chuyển như các đường nét hoa văn trên tai lửa bằng chất liệu đất nung. Một điều khá đặc biệt đối với tai lửa làm bằng chất liệu đá sa thạch, đó chính là việc phát hiện được một số tiêu bản tai lửa lồng ghép hình ảnh đầu thủy quái Makara phát hiện được qua cuộc khai quật phế tích Tháp Mẫm năm 2011. Đó là hình ảnh phần đầu của một con Makara mang nhiều yếu tố dữ tợn được lồng ghép vào trong hoa văn khối tai lửa. Đầu Makara được khắc họa những đường nét khá quen thuộc như: Mắt mở to lồi, có nhiều lớp mí, đuôi chân mày vuốt cong nhọn; ngoài một chiếc răng nanh dài cong nhọn ở cuối mép miệng thì cả hàm trên và hàm dưới đều có hàng răng gồm nhiều chiếc xếp liên tiếp; đầu hàm trên còn nhô ra một cái sừng cong nhọn như ngà voi và một cái vòi như vòi của một con voi. Đây chính là những nét sáng tạo của nghệ nhân Champa khi đưa vào hình tượng Makara nguyên bản của Ấn Độ giáo những nét sáng tạo gần gũi hơn với người Chăm, đó là những nét của con voi, con cá sấu…
Dù là bằng chất liệu đất nung hay đá sa thạch thì những điêu khắc hình tai lửa đã được sử dụng khá phổ biến trong các công trình kiến trúc đền tháp Champa tại Bình Định. Nó cũng phản ánh nét sáng tạo và trình độ kỹ thuật điêu luyện của các kiến trúc sư Champa xưa trong việc phối tạo họa tiết hoa văn trên các công trình đền tháp hoa lệ một thời.
NGUYỄN VIẾT TUẤN