Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng kiểm tra công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị các tháp Chăm
(BĐ) - Sáng 21.6, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - đi kiểm tra công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh tại các tháp: Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), Dương Long (xã Tây Bình và xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn). Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, và đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Kiểm tra tại tháp Bình Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chỉ đạo huyện Tuy Phước sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, làm đường dẫn vào tháp để kết nối du lịch làng hoa Bình Lâm gắn với tháp Bình Lâm. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo báo cáo của Sở VH&TT, tỉnh Bình Định hiện còn 8 cụm tháp Chăm với 14 tháp có niên đại từ thế kỷ XI - XV, cụ thể: Cụm tháp Bánh Ít (có 4 tháp), Bình Lâm (1 tháp), Dương Long (3 tháp), tháp Đôi (2 tháp), Thủ Thiện (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn - 1 tháp), Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn - 1 tháp), Phú Lốc (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn - 1 tháp), Hòn Chuông (xã Cát Tài, huyện Phù Cát - 1 tháp); tất cả các tháp Chăm ở tỉnh đều đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Riêng tháp Dương Long được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt; tháp Hòn Chuông là một trong 22 điểm thuộc di tích Khu căn cứ Núi Bà được xếp hạng cấp quốc gia năm 1994.
Tháp Dương Long là di tích cấp quốc gia đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng lưu ý việc tu bổ, tôn tạo vừa đảm bảo phục vụ du lịch, vừa đảm bảo công tác khảo cổ, nghiên cứu phát huy thêm giá trị di tích này theo đúng quy định pháp luật, hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Từ năm 1998 đến nay, từ nhiều nguồn vốn (vốn ODA, vốn Trung ương, vốn của tỉnh) với tổng vốn 78,443 tỷ đồng, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo để phát huy giá trị các di tích tháp Chăm; trong đó, một số tháp Chăm, như Bánh Ít, Dương Long, Cánh Tiên, Tháp Đôi mỗi năm đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa - lịch sử.
Kiểm tra công trình nhà trưng bày tại tháp Bánh Ít đang xây dựng, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho rằng, tỉnh ta chưa có Bảo tàng Champa, nhưng có rất nhiều hiện vật Champa có giá trị cao, nên sau khi công trình nhà trưng bày hoàn thành phải đưa hiện vật Champa vào trưng bày giới thiệu đến với du khách để phát huy giá trị các hiện vật, di tích Champa trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Qua khảo sát, kiểm tra các di tích tháp Chăm, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho rằng các cụm tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, nhất là 3 cụm tháp Bình Lâm, Bánh Ít, Dương Long có vị trí đặc biệt trong việc phát triển du lịch. Do đó, phải xúc tiến nhanh việc tu bổ, tôn tạo các di tích này.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đến tham quan mô hình trồng hoa của ông Văn Tấn Thành, ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước). Ảnh: NGỌC NHUẬN
Kiểm tra tại tháp Bánh Ít, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chỉ đạo Sở VH&TT cùng các sở, ngành liên quan thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích đúng với phê duyệt quy hoạch, thiết kế đảm bảo phát huy giá trị di tích gắn với du lịch. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: “Với tháp Bánh Ít, Sở VH&TT đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục tu bổ, tôn tạo theo quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt tại khu di tích tháp Bánh Ít để hoàn thành đưa vào hoạt động, phục vụ du lịch vào cuối năm nay; trong đó, phải xây dựng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trưng bày hiện vật Champa tại nhà trưng bày tháp Bánh Ít để phục vụ du khách khi đến tháp Bánh Ít tham quan, trải nghiệm. Đối với tháp Bình Lâm, giao huyện Tuy Phước tập trung công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành đường dẫn vào tháp để sớm đưa vào phục vụ tour du lịch tháp Bình Lâm gắn với trải nghiệm làng hoa Bình Lâm, đầm Thị Nại. Đối với tháp Dương Long, giao huyện Tây Sơn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để mở rộng khuôn viên tháp Dương Long theo quy hoạch được phê duyệt. Giao Sở VH&TT phối hợp với Sở Du lịch đề xuất các sản phẩm du lịch phục vụ du khách khi đến các tháp Chăm, nhất là sản phẩm du lịch ban đêm; tổ chức các tour đưa du khách về các điểm đến tháp Chăm, cũng như các di tích văn hóa - lịch sử của tỉnh… để phát huy hơn nữa giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch”.
NGỌC NHUẬN