TÍCH CỰC PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT:
Chủ động khống chế ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến ngày 22.6, toàn tỉnh ghi nhận 766 ca mắc sốt xuất huyết. Riêng tuần 24 (từ ngày 16 - 22.6), toàn tỉnh ghi nhận 129 ca mắc sốt xuất huyết với 10 ổ dịch. Để dịch bệnh không lan rộng, ngành Y tế và chính quyền các địa phương chủ động khống chế ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên.
Trong tuần, ghi nhận thêm 129 ca mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH), tăng 4 ca so với tuần trước (125 ca); phát hiện 10 ổ dịch SXH tại các xã Nhơn Lộc, Nhơn Hậu, Nhơn Tân (TX An Nhơn); các phường Hoài Châu Bắc, Hoài Thanh Tây (TX Hoài Nhơn); thị trấn Phú Phong, xã Tây Xuân, Tây Vinh, Tây Phú (huyện Tây Sơn), xã Cát Lâm (huyện Phù Cát). Nhìn qua có thể thấy điểm đáng lo là nhiều phường, xã, thị trấn ở các thị xã, huyện đã xuất hiện ổ dịch.
Phun thuốc diệt muỗi, phòng sốt xuất huyết lan rộng. Ảnh: ĐỖ THẢO
Với 234 ca mắc, đến nay huyện Hoài Ân tiếp tục là địa phương có nhiều ca mắc SXH nhất tỉnh. Bác sĩ Lê Văn Mạnh, Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Ân, cho biết, để tránh dịch bệnh lan rộng, chúng tôi nỗ lực xử lý ngay khi vừa phát hiện ca mắc.
Ngoài hoạt động của ngành Y tế vốn được đánh giá đã đạt yêu cầu cơ bản, theo ông Trần Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, huyện đã có văn bản chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn đôn đốc các trạm y tế phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Huy động lực lượng tổ chức ra quân diệt lăng quăng/ bọ gậy, vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các chợ, khu đông dân cư.
Cùng với đó, Hoài Ân tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các gia đình trong khu vực ổ dịch theo yêu cầu của ngành Y tế. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi nhiễm bệnh, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Để phát hiện và kiểm soát dịch SXH, hiện các TTYT địa phương tăng cường theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn trạm y tế các xã, thị trấn về chuyên môn, đảm bảo phát hiện sớm, kịp thời hướng dẫn bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị. Đồng thời chủ động tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi có chỉ số mật độ muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao, những ổ dịch phát sinh, trong đó tổ chức phun hóa chất 100% các nhà trong khu vực ổ dịch. Đặc biệt, TTYT còn hướng dẫn để bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Cùng với đó, TTYT tổ chức việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, phân loại bệnh nhân, chuyển tuyến điều trị kịp thời.
TX An Nhơn cũng là địa phương có số ca mắc SXH cao. Ở những địa phương trước đây ít có ca nhiễm, nay cũng đã xuất hiện nhiều ca mắc SXH. Để khống chế dịch bệnh, ngay khi phát hiện có ca SXH trên địa bàn, ngành Y tế phối hợp với địa phương tổ chức diệt bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi.
Từ đầu năm đến nay, xã Nhơn Tân ghi nhận 5 ca mắc SXH, hiện có 2 ca đang điều trị tại TTYT TX An Nhơn. Qua điều tra, Nhơn Tân đang có ổ dịch SXH tại xóm An Tượng A, An Tượng B và An Tượng C thuộc thôn Nam Tượng 3. Bác sĩ Cao Hoàng Dạ Thảo, Trưởng Trạm Y tế Nhơn Tân, cho biết: Ngoài sự hướng dẫn về chuyên môn của TTYT, chúng tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể cùng nhau phòng, chống dịch. Sau khi phát hiện ca bệnh, chúng tôi thực hiện điều tra bệnh nhân, điều tra côn trùng. Sau khi có kết quả, chúng tôi họp dân tuyên truyền vận động nhân dân tổng vệ sinh môi trường, lật, úp, cọ rửa các dụng cụ chứa nước, không cho muỗi đẻ trứng, diệt các ổ bọ gậy. Đợt này, chúng tôi thực hiện phun hóa chất cho khoảng 270 nhà để phòng, chống dịch.
Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, cho biết: Chúng tôi luôn nhắc nhở đội ngũ phụ trách phòng, chống SXH phải luôn luôn cẩn thận và chủ động phát hiện kiểm soát ngay các ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và có trường hợp tử vong do SXH.
Khác với nhiều năm trước, năm nay các huyện miền núi như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão có số ca mắc SXH ít hơn các huyện đồng bằng. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, cho biết: Đến nay, Vân Canh ghi nhận 38 ca mắc SXH với 1 ổ dịch, dù ít hơn các địa phương khác về số lượng ca mắc nhưng so với chính mình vào cùng kỳ năm ngoái lại tăng hơn khá nhiều. Để dịch bệnh không lan rộng, các trạm y tế và đội ngũ y tế thôn, làng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân phòng, chống dịch, trong đó có việc vệ sinh nhà cửa, đổ nước đọng và nằm màn ngay cả ban ngày. Bên cạnh đó, khi phát hiện ca mắc, chúng tôi sẽ xử lý ngay theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, chúng tôi đã chỉ đạo ngành Y tế các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời. Đây là thời điểm thuận lợi cho muỗi phát triển, người dân không nên chủ quan. Cần vệ sinh môi trường thông thoáng và chủ động các biện pháp phòng, chống muỗi ngay trong nhà.
ĐỖ THẢO