Vang xa tiếng cồng chiêng
Ngày 20.6, Hội LHPN xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) ra mắt CLB “Cồng chiêng nữ” tại thôn Suối Đá với sự tham gia của 25 thành viên. Bà Đinh Thị Thời, chủ nhiệm CLB, cho biết: “Theo kế hoạch, mỗi quý, CLB sẽ sinh hoạt một lần. Nội dung buổi sinh hoạt xoay quanh việc tìm hiểu về cồng chiêng, các bài đánh và điệu múa xoang đi kèm. Phần không thể thiếu là thực hành. Người lớn hướng dẫn cho người trẻ, người trẻ tiếp thu rồi truyền đạt lại cho thế hệ trẻ hơn. Cứ như thế, sẽ có nhiều chị em tiếp cận được nét đẹp của cồng chiêng quê hương”.
Buổi ra mắt CLB “Cồng chiêng nữ” của Hội LHPN xã Vĩnh Sơn. Ảnh: Hội LHPN xã Vĩnh Sơn
Những thành viên lớn tuổi, có vai trò cốt cán trong CLB tranh thủ lúc bà con quây quần, hội họp, kể cho phụ nữ trẻ hơn về sự ra đời của văn hóa cồng chiêng và múa xoang, dần nhen lên niềm yêu thích nét văn hóa này trong mỗi người. Khi đã rõ nguồn gốc, các bà, các mẹ lại “bắt tay” vào việc hướng dẫn con cháu cách đánh từng điệu cồng chiêng.
Chậm rãi chỉ dạy nhóm phụ nữ trẻ điệu chiêng truyền thống, bà Đinh Thị Nhiếk (SN 1952, thành viên lớn tuổi nhất CLB) chia sẻ: Bà biết đánh chiêng từ lúc còn trẻ lắm. Bà yêu tiếng chiêng, càng yêu hơn khi chính tay phụ nữ đánh. Do đó, tham gia vào CLB, bà sẽ có cơ hội truyền lại kỹ năng, tình yêu ấy. Bà còn rủ thêm chị em dày dặn kinh nghiệm cùng tham gia, vừa để giải khuây tuổi già, vừa dìu dắt lớp trẻ”.
Nhờ sự hết lòng của thế hệ đi trước, chị em đến với cồng chiêng ngày một nhiều hơn. Là thành viên nhỏ tuổi nhất CLB, chị Đinh Thị Dương (SN 1992) say sưa nghe bà Nhiếk hướng dẫn bài chiêng cổ, vừa tập tành đánh theo. Chị hồ hởi: “Nghe bà Nhiếk bật mí rằng ai cũng có thể tập đánh chiêng được nên tôi đã thử. Sau khi xong việc nhà, tôi lại gặp để bà hướng dẫn cách làm quen với cái chiêng, điệu múa. Khi gõ đúng nhịp, tiếng chiêng nghe hay lắm! Tôi sẽ chăm chỉ để chơi được và dạy cho con cháu trong nhà”.
Hứng thú là vậy nhưng chị em còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận rộng rãi với cồng chiêng. Xuất phát từ quan niệm từ xưa đến nay, phụ nữ chỉ tham gia trong đội múa xoang; việc đánh cồng chiêng do đàn ông đảm nhận. Bởi vậy, một số chị em bị chồng phản đối; bản thân chị em cũng thiếu tự tin vào khả năng của bản thân.
“Để chị em nhận thức rõ quyền của mình, đồng thời thêm tự tin, cởi mở, Hội LHPN xã đã thành lập CLB “Cồng chiêng nữ”. Đây là môi trường sinh hoạt tiến bộ, vừa giúp chị em giải tỏa áp lực tinh thần, vừa là sân chơi bổ ích, giúp duy trì và phát triển giá trị văn hóa truyền thống”, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Sơn Đinh Thị Xướt cho biết.
DIỆU NGỌC