Ðầm Ðạm Thủy qua Mộc bản triều Nguyễn
Ðầm Ðạm Thủy (còn có tên khác nữa là Nước Ngọt, Ðề Gi) là 1 trong 3 đầm lớn nhất tỉnh Bình Ðịnh - 2 đầm còn lại là Thị Nại và Trà Ổ. Ðầm Ðạm Thủy tiếp nhận nước ngọt từ hệ thống gồm nhiều sông, suối đổ vào trước khi tuôn ra biển vì vậy nơi đây rất thuận lợi cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Qua Di sản Mộc bản Triều Nguyễn ta sẽ hiểu thêm về đầm này.
Đầm Đạm Thủy nối thông với biển qua cửa Đề Gi, vì vậy trong dân gian còn gọi tên là vũng Đề Gi. Nguồn gốc tên gọi đầm Đạm Thủy cho đến nay vẫn chưa có sự giải thích nào rõ ràng, vì vậy ca dao mới có câu: Thật thà là thói hồng nhan/ Ăn xuôi nói ngược thế gian lạ gì/ Mặn chằn nước vũng Đề Gi/ Gọi “đầm Nước Ngọt” lẽ gì hỡi em?
Một góc đầm Đạm Thủy. Ảnh: NGUYỄN PHƯỚC HOÀI
Hiện nay, trong dân gian còn lưu truyền 2 cách giải thích khác nhau về tên gọi đầm Đạm Thủy. Thuyết thứ nhất kể rằng, tương truyền trong trận chiến với triều đình Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) trên đường chạy trốn sang Xiêm La (Thái Lan ngày nay), do lương ăn, nước uống cạn kiệt, phải cho thuyền cập cửa biển Đề Gi, nhưng không dám vào làng gặp dân vì sợ bị phát hiện. Xung quanh, toàn cát trắng, chợt thấy có đầm nước trước mặt, nhưng nước lại mặn chát. Nguyễn Ánh mới ngửa mặt lên trời mà khấn rằng: “Nếu mệnh trời của họ Nguyễn chưa dứt, thì xin trời ban cho nước ngọt”. Lời vừa dứt, Nguyễn Ánh sai quân đào sâu xuống động cát thì thấy nước ngọt phun trào. Vì vậy, nên đặt cho tên đầm là Đạm Thủy (nghĩa là Nước Ngọt). Không biết thực hư thế nào, nhưng đến nay người ta vẫn có thể đào giếng lấy nước ngọt ngay dưới lớp cát dày quanh đầm có nhiều mạch nước ngầm.
Thuyết thứ 2 giải thích là vì vào mùa hè nước trong đầm chảy ra cửa biển Đề Gi, nước biển theo thủy triều tràn ngược lên đầm, biến nơi này thành một vùng nước lợ rộng lớn. Vì cửa biển Đề Gi hẹp, lượng nước biển tràn vào sâu trong đầm không nhiều nên độ mặn của nước đầm Đạm Thủy thấp hơn so với những đầm nước lợ khác. Do vậy, mà đầm này còn có tên là đầm Nước Ngọt.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 22,23 ghi chép đầm Đạm Thủy. Nguồn: TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA IV
Về đầm Đạm Thủy, Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam nhất thống chí có chép: “Đầm Đạm Thủy: nằm ở địa giới 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ, chu vi hơn 5.295 trượng. Trên giáp với sông La Tinh, dưới thông với cửa biển Đề Gi. Dân 2 huyện đóng thuế đầm”.
Đầm Đạm Thủy rộng hơn 2.000 ha, ven đầm là các xã: Cát Khánh, Cát Minh thuộc huyện Phù Cát và Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Thành thuộc huyện Phù Mỹ. Núi Lạc Phụng (Phù Mỹ) án ngữ phía Bắc, núi Bà (núi Bô Chinh) che chắn phía Nam; phía Tây là lưu vực sông La Tinh cùng các con sông nhỏ; phía Đông là động Bạch Sa chạy dài từ Tân Phụng đến Vĩnh Lợi. Với vị trí địa lý như vậy, đầm Đạm Thủy thường phẳng lặng nên thuyền bè ra vào thuận tiện, đến mùa mưa bão trở thành nơi trú ẩn, tránh bão rất tốt.
Ngày nay, ít ai còn nhớ rằng cách đây hơn 200 năm, trên vùng đầm này từng diễn ra nhiều trận chiến giằng co giữa quân Tây Sơn với phe Nguyễn Ánh. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên ghi lại các trận đánh ở đầm Đạm Thủy như sau: Tháng 2, năm Đinh Tỵ (1797) Chưởng cơ Nguyễn Văn Trương đem binh thuyền tiến đánh Đô đốc giặc là Thiêm (không rõ họ) ở Tiên Châu (thuộc tỉnh Phú Yên). Thiêm thua chạy. Lại phá được đô đốc giặc là Tính (không rõ họ) ở Đạm Thủy (thuộc tỉnh Bình Định), bắt được 6 chiếc thuyền”.
Hai năm sau, tức tháng 4, năm Kỷ Mùi (1799), quân đội Nguyễn Ánh lại giao tranh với quân Tây Sơn ở đây: “Quân Lê Văn Duyệt đến Đạm Thủy (Nước Ngọt) đánh đốt kho lương của giặc, chém được tướng là Đại đoàn luyện Giảng (không rõ họ), gửi thủ cấp đến thành tại báo thắng trận. Vua thưởng cho 1.000 quan tiền. Duyệt lại tiến binh đến Thạch Tân (Bến Đá), chia đặt các đồn”.
Đến năm Tân Dậu (1801), đầm Đạm Thủy lại trở thành chiến trường ác liệt: “Tướng giặc Võ Văn Dũng đã thua, thu nhặt tàn quân, hợp lại với Trần Quang Diệu, rồi sai Tư khấu Định giữ Thạch Tân, Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ giữ đầm Đạm Thủy (Nước Ngọt), đô đốc Võ Văn Sự giữ Tân Quan, để đề phòng quân ta tập hậu, lại phao ngôn là thề quân hẹn hết sức đánh thành”. Tháng 6, năm đó, Nguyễn Ánh, đã sai người đến đầm Đạm Thủy xem xét để đặt đồn, bảo; Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên chép: “Lấy Đô thống chế Tiền dinh quân Thần sách là Trần Công Lại làm Đô thống chế Trung dinh, Vệ úy vệ Tuyển phong tiền là Nguyễn Vĩnh Thị làm Phó đô thống chế. Lại sai Đô thống chế Phan Văn Triệu quản tướng sĩ Tiền dinh chia đi chiến thuyền thẳng vào Đạm Thủy (Nước Ngọt) xem xét địa thế để đặt bảo; sai bảy vệ Kiện uy, Túc uy, Trang võ, Nghiêm võ, Thuận võ, Thiện võ, Nghĩa võ đến theo quân thứ Thanh Hảo”.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, đầm Đạm Thủy giờ đây là nơi sinh kế cho nhiều hộ dân sống quanh đầm. Bên cạnh đó, đây là một vùng đất được thiên nhiên ưu ái, ban tặng với cảnh trước là biển, sau là núi, sơn thủy hữu tình như thế nên tiềm năng phát triển du lịch rất rõ ràng. Không chỉ có vậy, khi giao thông thuận lợi, luồng vào sâu bên trong đầm được nạo vét, giữ gìn tốt khi đó những tiềm năng đa dạng của đầm này sẽ tạo ra ưu thế rất lớn cho cả một vùng kinh tế rộng lớn. Có thể nói, đầm Đạm Thủy đóng vai trò và vị trí chiến lược quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
CAO THỊ QUANG