Tiếp tục củng cố miễn dịch cộng đồng với Covid-19
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, vắc xin đóng vai trò quyết định và đã tạo được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, hiệu quả vắc xin Covid-19 không bền vững, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người cần tiêm mũi nhắc lại để duy trì hiệu quả của vắc xin.
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến nay, Bình Định tiếp nhận gần 3,5 triệu liều vắc xin, đã sử dụng hơn 3,3 triệu liều, còn tồn 149.929 liều. Tuy nhiên, chỉ mới khoảng 53,6% người tiêm vắc xin nhắc lại lần 1 và chỉ có 5,02% tiêm mũi nhắc lại lần 2. Dù tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại thấp nhưng tại các điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 lại khá vắng dù các xã, phường, thị trấn đều có điểm tiêm tại trạm y tế.
Theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin vẫn là biện pháp duy trì hiệu quả chống dịch bền vững. Ảnh: Đ. THẢO
Bác sĩ Cao Hoàng Dạ Thảo, Trưởng Trạm Y tế xã Nhơn Tân (TX An Nhơn), cho biết: Điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 đặt ngay trạm y tế xã, thuận tiện cho người dân nhưng số người đến tiêm hằng ngày rất ít, khiến thời gian tiêm kéo dài nhiều ngày. Với những người không đi được, chúng tôi còn đến tận nhà chở đến điểm tiêm.
Bên cạnh các chỉ đạo của tỉnh, để công tác tiêm vắc xin đạt hiệu quả, ngành Y tế triển khai nhiều biện pháp khác nhau như phối hợp với chính quyền cấp huyện, cấp xã triển khai vận động người dân đi tiêm; tổ chức nhiều điểm tiêm tại trạm y tế, bệnh viện; đặc biệt là triển khai các điểm tiêm lưu động đến tận các nhà máy, DN.
Trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi sẽ tiếp tục tiêm mũi 3. Ảnh: Đ. THẢO
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Trong bối cảnh tình hình dịch lắng xuống, số ca nặng gần như không còn, không có ca tử vong, cho thấy chúng ta đã đạt được miễn dịch cộng đồng, việc đó rất tốt, tuy nhiên lại tạo ra tâm lý chủ quan trong phòng dịch. Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vẫn không như mong muốn. Tôi xin nhấn mạnh, chúng ta đạt được thành quả chống dịch như vừa rồi, hiệu quả từ vắc xin đóng vai trò quyết định. Chúng ta cần củng cố miễn dịch của mình, của gia đình mình, như vậy hiệu quả chống dịch mới bền vững được”.
Điều mà nhiều người ít để ý là các chủng mới của SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện. Thời gian gần đây, một số quốc gia có số ca mắc Covid-19 tăng trở lại, hằng ngày trên toàn cầu vẫn có hàng nghìn ca tử vong vì Covid-19 và đây vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Nguy cơ các chủng mới xâm nhập vào nước ta làm số ca mắc Covid-19 tăng trở lại rất cao. Do đó vai trò của vắc xin trong công cuộc phòng, chống dịch là điều không cần phải nhắc lại. Nên nhớ rằng dù vắc xin Covid-19 đạt hiệu quả cao nhưng chúng lại không bền vững. Khoảng 6 tháng sau khi tiêm chủng, khả năng miễn dịch sẽ giảm xuống, nếu chúng ta không tiêm mũi nhắc lại thì mức độ miễn dịch cộng đồng giảm, khi đó ta sẽ đối diện với nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
“Đối với người tiêm chủng 2 liều vắc xin loại Pfizer, Moderna, AstraZeneca thì được xem là hoàn thành liều tiêm cơ bản. Nhưng người tiêm vắc xin Vero Cell thì phải 3 mũi mới hoàn thành tiêm cơ bản. Những người đã hoàn thành liều cơ bản cần tiếp tục tiêm nhắc lại lần 1 (tức tiêm mũi 3 hoặc mũi 4). Và hiện nay Bộ Y tế có văn bản chính thức là trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiếp tục tiêm mũi 3. Còn lại, đối tượng tiêm liều nhắc lại lần 2 là trên 50 tuổi, người trên 18 tuổi nhưng suy giảm miễn dịch nặng, lực lượng nguy cơ cao như nhân viên y tế, công nhân, người làm việc trong khu công nghiệp và lực lượng trước đây ưu tiên thì giờ cũng thuộc đối tượng ưu tiên”.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bùi Ngọc Lân
ÐỖ THẢO