Tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin ngừa Covid-19 để phòng biến chủng mới
Hiện số ca mắc Covid-19 đã giảm nhưng dịch bệnh này vẫn được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Bên cạnh đó, biến thể phụ BA.5 - biến thể khiến số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tăng nhanh ở nhiều quốc gia - đã xâm nhập vào Việt Nam, cảnh báo chúng ta không được chủ quan trong phòng dịch.
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Bình Định về công tác duy trì thành quả chống dịch Covid-19, đặc biệt là việc ứng phó với biến thể phụ BA.5.
* Theo thông tin của Bộ Y tế, biến thể phụ BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam, vậy mức độ nguy hiểm của biến thế này như thế nào, thưa ông?
- BA.5 là biến thể phụ của Omicron lần đầu được phát hiện tại Nam Phi và hiện nó đã phổ biến tại nhiều quốc gia. Hiện nay BA.4 và BA.5 là hai thủ phạm khiến các nước châu Âu và châu Mỹ đối mặt hàng loạt làn sóng Covid-19 mới.
TTYT TX An Nhơn tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 2 cho các trường hợp ưu tiên, cuối tháng 6.2022. Ảnh: T. KHUY
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến ngày 11.6, có tới hơn 21% số ca mắc Covid-19 tại nước này là do nhiễm hai dòng phụ của biến thể Omicron là BA.4 và BA.5. Tại Singapore, có đến 45% số ca nhiễm trong cộng đồng trong tuần qua là do biến thể phụ BA.4 và BA.5 gây ra, tỷ lệ này tuần trước đó là 30%. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.4 và BA.5 đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây.
Những con số này có thể chưa phản ánh hết tình hình thực tế vì nhiều quốc gia đã giảm đáng kể việc yêu cầu xét nghiệm cũng như công tác báo cáo không còn được chú trọng như giai đoạn trước. Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu cảnh báo, các dòng phụ mới này đang lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác, có thể dẫn tới số ca nhập viện cao hơn nếu để chúng trở thành các biến thể chủ đạo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhận định thế giới vẫn trong đại dịch và biến thể, biến chủng mới có thể làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại.
Việt Nam đang ở trong trạng thái bình thường mới, không còn hạn chế giao lưu, đi lại, không bắt buộc phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 nên không thể loại trừ nguy cơ Covid-19 có thể gia tăng trong thời gian tới. Đặc biệt là khi biến thể phụ BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam.
Hiện nay, mặc dù số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam nhìn chung liên tục giảm, nhưng vẫn có một số địa phương lại bắt đầu tăng nhẹ trở lại. Vi rút SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể, mức độ tăng nặng và tử vong.
* Để duy trì thành quả chống dịch Covid-19, đối phó với biến thể BA.5, ngành Y tế tỉnh sẽ triển khai những hoạt động gì, thưa ông?
- Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có thể sẽ có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. Vì vậy chúng ta cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin đủ liều như khuyến cáo, giám sát trọng điểm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình dịch trong giai đoạn hiện nay.
* Vắc xin vẫn tiếp tục là “vũ khí chiến lược”, là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch Covid-19. Tuy vậy, đối với mũi tiêm nhắc lại, nhiều người còn chần chừ vì lo ngại tác dụng phụ, với góc nhìn chuyên môn, ông có thể tư vấn gì?
- Tại Việt Nam, đã có trên 228 triệu liều vắc xin được sử dụng; trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng đã có 3.396.361 liều vắc xin được sử dụng an toàn, chưa có tai biến nặng xảy ra. Nhờ tỷ lệ được tiêm chủng cao mà Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bên cạnh đó, chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc xin phòng Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Thực tế cho thấy vắc xin phòng Covid-19 là an toàn và mang lại lợi ích rất lớn trong việc hạn chế mức độ lây nhiễm, nhất là giảm trường hợp nặng phải nhập viện, giảm tử vong.
Tuy nhiên, miễn dịch có được sau khi tiêm chủng hay mắc Covid-19 đều không bền vững. Khi được tiêm nhắc lại vắc xin phòng Covid-19, khả năng miễn dịch sẽ được duy trì, hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm vi rút SARS-COV-2 vẫn đảm bảo.
Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc lại, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm vi rút lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, những người từng mắc Covid-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng ngừa nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc lại thì hiệu quả này lên đến 67,6%. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy các trường hợp tử vong do Covid-19 có khoảng 80% không tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ mũi, phần lớn các ca tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền... Như vậy, nếu không tiếp tục tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) thì kháng thể có được sau khi tiêm 2 liều vắc xin phòng Covid-19 cơ bản sẽ không còn, miễn dịch cộng đồng suy giảm và nguy cơ dịch bệnh Covid-19 tăng trở lại là rất cao.
Tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19 trong bối cảnh tiếp tục xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2.
* Xin cảm ơn ông!
THẢO KHUY (Thực hiện)