Hoàn thiện mã số vùng trồng: Mở đường cho nông sản xuất khẩu chính ngạch
Bình Ðịnh đang đề nghị Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng cho cây ớt, xoài, đậu phụng… phục vụ cho xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện mặt hàng nông sản chủ lực của Bình Định xuất sang Trung Quốc là ớt tươi và dưa hấu; riêng xoài và đậu phụng chủ yếu vẫn tiêu thụ nội địa. Thống kê năm 2021, toàn tỉnh trồng 2.576 ha dưa hấu, sản lượng 82.615 tấn; cây ớt trồng 2.596 ha, sản lượng 43.523 tấn. Phần lớn dưa hấu, ớt tươi đều xuất thô sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nguy cơ rủi ro cao khi phía Trung Quốc đóng cửa khẩu gây tắc nghẽn và ùn ứ nông sản, thiệt hại lớn về mặt kinh tế.
Trong năm 2022, Bình Định đề nghị cấp mã số vùng trồng cho 5 vùng sản xuất ớt đủ điều kiện với quy mô diện tích 200 ha. Ảnh: THU DỊU
Hiện tại, phía Trung Quốc áp dụng quy định mới với các mặt hàng nông sản, trong đó yêu cầu đầu tiên là nông sản muốn vào thị trường Trung Quốc phải có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… Trước những thay đổi từ phía Trung Quốc, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động định hướng, từng bước hỗ trợ nông dân chuyển hướng sang sản xuất theo quy hoạch, ổn định vùng trồng, áp dụng quy trình canh tác an toàn để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.
Năm 2022, Chi cục phối hợp với các địa phương rà soát, hoàn thiện hồ sơ và trình Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng cho 5 vùng sản xuất ớt tươi đủ điều kiện, tổng diện tích hơn 200 ha. Đồng thời, đơn vị tiếp tục rà soát, hoàn thiện và trình cấp mã số vùng trồng cho các vùng sản xuất đậu phụng, xoài, cây ăn trái có múi… theo nhu cầu để hướng tới hình thành vùng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu chính ngạch. Đến nay, Chi cục đã đề nghị Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật duy trì 10 mã số vùng trồng đủ điều kiện, hủy 23 mã vùng trồng không đủ điều kiện; đồng thời thay đổi thông tin người đại diện, thay đổi quy mô diện tích của 6 vùng trồng.
Dù hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có DN nào đăng ký kinh doanh xuất khẩu ớt, dưa hấu sang Trung Quốc, nhưng với tình hình hiện tại, xu hướng dịch chuyển vùng nguyên liệu từ phía Nam về miền Trung sẽ đặt Bình Định trước cơ hội hình thành những vùng sản xuất cung cấp nông sản đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Việc xây dựng và đề nghị cấp mã số vùng trồng không khó, song quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả của mã vùng trồng là vấn đề cần quan tâm. Hơn nữa, chúng ta không chỉ phát triển sản xuất, nâng cao phẩm cấp nông sản, mà việc hoàn thiện các điều kiện có tính kỹ thuật như chủ động xây dựng và cấp mã số vùng trồng sẽ góp phần thu hút các DN trong nước tìm về Bình Định liên kết để sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Trong định hướng phát triển của HTX theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, HTXNN Thượng Giang, huyện Tây Sơn, đề nghị được cấp mã số vùng trồng cho cây ớt với diện tích hơn 30 ha. Theo ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang, việc cấp mã vùng trồng trước mắt giúp HTX có định hướng liên kết các hộ tham gia trong chuỗi trồng ớt an toàn, HTX làm khâu trung gian thu gom nguyên liệu; tìm đối tác là các DN xuất khẩu để hợp tác và mở rộng sản xuất.
Tương tự, phía HTXNN Thanh Niên, huyện Hoài Ân đang phối hợp đề xuất cấp mã vùng trồng cho vùng cây trồng thế mạnh (bưởi, mít Thái…), từng bước hợp tác với DN xuất khẩu mặt hàng bưởi da xanh. Theo đại diện HTX, sau ký kết hợp tác với Tập đoàn đầu tư nông nghiệp Chấn Hưng Sinh Lợi (TP Hồ Chí Minh), HTX đặt vấn đề triển khai thí điểm hợp tác chuỗi liên kết; phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hoàn thiện các hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng cho vùng nguyên liệu của HTX.
Theo ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư nông nghiệp Chấn Hưng Sinh Lợi, một trong những yêu cầu đầu tiên khi đặt vấn đề hợp tác trong liên kết và tiêu thụ nông sản tại Bình Định là DN yêu cầu xây dựng và cấp mã số vùng trồng cho nông sản. Trung Quốc là thị trường lớn, sức mua đa dạng, cơ hội xuất khẩu chính ngạch rất lớn. Để tận dụng được điều này, chúng tôi triển khai hợp tác tại Bình Định nhằm tận dụng ưu thế về vùng nguyên liệu, hệ thống giao thông - cảng biển xuất khẩu. Trong giai đoạn đầu, DN tập trung hỗ trợ HTXNN Thanh niên Hoài Ân xây dựng vùng nguyên liệu hợp chuẩn, bao tiêu sản phẩm, mở đường cho chiến lược phát triển dài hơi.
THU DỊU