Ô nhiễm từ sơ chế mực xà, người dân kêu cứu
Gọi đến đường dây nóng Báo Bình Định, người dân thôn An Quang Tây và An Quang Đông (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) khẩn thiết mong các ngành chức năng liên quan sớm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ hoạt động sơ chế mực xà tại địa phương.
Ngày càng trầm trọng
Tại thôn An Quang Tây và An Quang Đông có gần 40 cơ sở sơ chế mực xà. Vào thời gian cao điểm (từ ngày 28 đến ngày 12 âm lịch hằng tháng), tổng công suất sơ chế hơn 100 tấn mực nguyên liệu/ngày. Trong đó, một khối lượng rất lớn ruột và da mực xà bị loại bỏ và thải trực tiếp ra tuyến mương chạy dọc đê chắn sóng Cảng cá Đề Gi.
Phơi mực xà trên mặt đê chắn sóng bốc mùi hôi thối. Ảnh: V.L
Lượng phế thải thải ra mỗi ngày quá lớn, khiến nước trong mương đông đặc, đen ngòm và bốc mùi hôi thối khắp khu dân cư rộng lớn. Bên cạnh đó, lượng bao bì ni lông, rác thải nhựa các loại cũng được các cơ sở sơ chế mực xà vứt trực tiếp xuống tuyến mương; khiến tình trạng ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn.
Mực xà sau khi lấy ruột và lột bỏ da, lớp thịt còn lại đặt lên các tấm vỉ đưa ra ngoài nắng phơi khô; phơi dày đặc trên mặt đê chắn sóng, trên mái nhà và ngay trên tuyến mương. Mực xà phơi khô cũng bốc mùi hôi khăm khẳm rất khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng nghìn người dân.
Theo ông Nguyễn Hữu Giang, ở thôn An Quang Tây, mùi hôi thối đặc trưng của ruột, da và mực xà phơi khô khiến các loại ruồi nhặng, côn trùng cũng không dám tới gần. Người dân địa phương thường xuyên ngửi mùi này nên rất khó thở, tức ngực, đau đầu. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, tại hai thôn này đã ghi nhận không ít trường hợp mắc và tử vong do bệnh ung thư.
“Mùi hôi thối khiến cuộc sống của người dân đảo lộn; luôn lo lắng về nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo. Người dân nhiều lần kiến nghị xử lý, chấm dứt hoạt động sơ chế mực xà, nhưng nhiều năm qua chưa có kết quả”, ông Đỗ Thanh Trúc, ở thôn An Quang Tây, trình bày.
Cần xử lý dứt điểm
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, nghề sơ chế mực xà phát triển mạnh khoảng 5 năm trở lại đây; tất cả cơ sở đều hoạt động tự phát. Ngoài nguồn nguyên liệu tại địa phương, các cơ sở còn nhập lượng khá lớn từ các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Bình…
UBND xã Cát Khánh triển khai nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến xử phạt để ngăn chặn, xử lý. Đơn cử, ngày 8.6 vừa qua, địa phương phối hợp với Trung tâm Quan trắc TN&MT (Sở TN&MT) lấy mẫu nước thải, chất thải tại 15 cơ sở để kiểm nghiệm. Kết quả, các chỉ số ô nhiễm vượt gấp nhiều lần mức cho phép; UBND huyện Phù Cát đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 15 cơ sở, với mức 24 - 67 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tổ công tác liên ngành của xã cưỡng chế, thu hồi các vật dụng sơ chế mực xà và tiêu hủy 100 vỉ phơi mực. Lực lượng CA xã phối hợp với CSGT (CA huyện Phù Cát) thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện vận tải vận chuyển mực xà vi phạm tải trọng; đã tịch thu 7 chiếc xe lôi 3 bánh hoạt động không đúng quy định pháp luật.
“Địa phương rất kiên quyết trong việc xử lý, nhưng do lợi nhuận từ sơ chế mực xà rất cao nên nhiều chủ cơ sở vẫn bất chấp, vi phạm pháp luật về môi trường. Đây là nguyên nhân chính khiến việc xử lý dứt điểm hoạt động sơ chế mực xà còn gặp khó khăn”, ông Hiếu cho hay.
Ông Tạ Công Thượng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Phù Cát, cho biết: Tới đây, Phòng tham mưu UBND huyện Phù Cát chỉ đạo UBND xã Cát Khánh tiếp tục lấy mẫu nước thải, chất thải của các cơ sở sơ chế mực xà còn lại để kiểm nghiệm. Nếu vượt mức an toàn cho phép thì xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, giám sát, theo dõi 15 cơ sở đã bị UBND huyện xử phạt; trường hợp các cơ sở này tiếp tục hoạt động khi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường thì có chế tài xử phạt nặng hơn. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở bỏ nghề sơ chế mực xà; chuyển đổi sang nghề khác không gây ô nhiễm môi trường.
Còn theo ông Bùi Quốc Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, quan điểm của huyện là kiên quyết xử lý dứt điểm hoạt động sơ chế mực xà tại thôn An Quang Tây và An Quang Đông nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm; đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân.
“Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” là thông điệp quen thuộc, nhưng thực tiễn xử lý các vấn đề “nổi cộm” như ô nhiễm môi trường từ hoạt động sơ chế mực xà ở Cát Khánh chưa cho thấy rõ sự quyết liệt từ phía chính quyền để lan tỏa thông điệp ấy. Và khi đó, người dân vẫn hàng ngày, hàng giờ sống trong môi trường độc hại.
VĂN LỰC