Đường dây nóng về ô nhiễm môi trường: Thông suốt, thống nhất, hiệu quả
Việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.
Ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm
Giai đoạn 2018 - 2021, việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng (ĐDN) được thực hiện theo Quyết định số 1994/QĐ-UBND ngày 12.6.2018 của UBND tỉnh về quy trình và cơ chế phối hợp tiếp nhận, xử lý thông tin ĐDN trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở TN&MT, ĐDN đã trở thành kênh thông tin nhanh chóng và thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phản ánh các hành vi gây ô nhiễm môi trường, giúp cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) nắm bắt, phát hiện kịp thời các vấn đề, điểm nóng về môi trường phát sinh để xác minh, xử lý, góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT.
Theo Chi cục BVMT tỉnh, hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin được phản ánh qua ĐDN ngày càng được nâng cao, thể hiện ở số vụ việc được xác minh, xử lý tăng dần theo thời gian. Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Trần Đình Trung cho hay: “Trong giai đoạn này, ĐDN ở cấp trung ương và cấp tỉnh đã tiếp nhận 54 vụ việc; phần lớn liên quan đến các cơ sở quy mô nhỏ thuộc cấp huyện, xã quản lý và đều được giải quyết, trả lời thỏa đáng”.
Đầu năm 2022, hoạt động của ĐDN về ô nhiễm môi trường được thực hiện theo Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin ĐDN về ô nhiễm môi trường do Bộ TN&MT ban hành. Quy trình rất cụ thể, như: Tiếp nhận, xử lý thông tin không quá 24 giờ kể từ khi thông tin được cập nhật trên Hệ thống thông tin đối với các vụ việc khẩn, không quá 36 giờ đối với khu vực đi lại khó khăn và không quá 72 giờ đối với các vụ việc ít khẩn. Đặc biệt, ưu điểm trong thực hiện Quy chế mới này là đã quy định việc thiết lập và mở rộng ĐDN xuống cấp huyện, giúp tiếp nhận và xử lý các vụ việc ngay từ cơ sở.
Tính đến nay, Chi cục BVMT tỉnh cũng đã tiếp nhận và xử lý 2 vụ việc từ ĐDN cấp bộ chuyển xuống. Ở cấp tỉnh xử lý 3 vụ; chuyển về các địa phương xử lý hơn 10 vụ việc.
Đơn cử, đầu tháng 6.2022, ĐDN của Sở TN&MT tiếp nhận thông tin một công ty trên địa bàn xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) hoạt động thu gom, nhập rác, phế liệu từ nước ngoài sản xuất hạt nhựa tại chỗ xả thải ra suối Đá, gây ô nhiễm môi trường. Ngay lập tức, Sở TN&MT phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra xác minh thông tin phản ánh và yêu cầu công ty này rà soát toàn bộ hạng mục của hệ thống xử lý nước thải, yêu cầu vận hành đúng quy trình của hệ thống đã được xác nhận.
Từ thông tin qua đường dây nóng, Sở TN&MT lập tức kiểm tra và yêu cầu Công ty TNHH SX TM&DV Giang Đạt Thành (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) vận hành đúng quy trình của hệ thống xử lý nước thải đã được xác nhận. Ảnh: Chi cục BVMT tỉnh
Hay như từ thông tin ĐDN cấp tỉnh chuyển về, UBND TP Quy Nhơn đã chỉ đạo UBND phường Đống Đa kiểm tra một cơ sở chế biến mực ở khu phố 8. Qua đó, xác định cơ sở này gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường xung quanh, kiến nghị của người dân là chính xác. Từ đó, địa phương đã có biện pháp xử lý theo quy định.
Nâng cao năng lực xử lý của địa phương
Nhanh chóng, trực tiếp, kịp thời là những tiện ích mà ĐDN mang lại. Tuy nhiên, theo Chi cục BVMT tỉnh, khó khăn lớn nhất trong quá trình quản lý, vận hành ĐDN là hiện nay Bộ TN&MT chưa hoàn thiện phần mềm trực tuyến tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị. Đồng thời, nhân lực ở các địa phương còn mỏng, thường kiêm nhiệm, năng lực chuyên môn sâu còn hạn chế nên việc xác minh, xử lý thông tin ở cơ sở nhiều lúc còn chậm, chưa đúng với quy định.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Thị Thanh Hương, để ĐDN phát huy hết hiệu quả trong tiếp nhận và giải đáp thắc mắc, kiến nghị của người dân, vẫn cần sự tích cực, chủ động của cả chính quyền và người dân. Đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ĐDN để người dân nắm rõ; nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai niêm yết ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
“Sở cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực tiếp nhận, xử lý cho các địa phương, nhất là tổ chức tập huấn, triển khai hiệu quả Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin ĐDN về ô nhiễm môi trường cho các đối tượng liên quan. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cán bộ công chức trong thực thi trách nhiệm, kiểm tra giải quyết kịp thời các phản ánh chính đáng của người dân”, bà Hương thông tin.
HỒNG PHÚC