Nguy hiểm rập rình trên đê sông Hà Thanh
Tuyến đê sông Hà Thanh đoạn từ cầu sắt 1 đến cầu sắt 2 (từ khu phố 6 đến khu phố 7, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) chưa lắp đặt lan can, nguy cơ xảy ra TNGT là rất cao.
Ông Lê Văn Khánh, nhà ở cạnh chân đê, cho biết: Nguy hiểm nhất vào ban đêm, do khu vực này không có đèn đường. Cách đây 3 tháng, cháu nội của ông đạp xe đi học cũng bị ngã từ trên đê xuống sông, cũng may mực nước thấp, được người dân ứng cứu kịp thời nên cháu chỉ bị thương nhẹ, xe đạp hư hỏng. “Chúng tôi ở sát tuyến đê này nên tận mắt chứng kiến rất nhiều người rơi xuống sông, chính tôi cũng đã đỡ và đưa đi bệnh viện nhiều trường hợp. Rất may là chưa có người nào tử vong. Tuy nhiên, cũng có trường hợp gãy tay, gãy chân”, bà Võ Thị Liên, ở cạnh nhà ông Khánh, tiếp lời.
Tuyến đê có cắm cọc tiêu báo hiệu nhưng vẫn không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi đi qua. Ảnh: V.LƯU
Theo UBND TP Quy Nhơn, dự án xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng hạ lưu sông Hà Thanh được đầu tư xây dựng hoàn thành và bàn giao cho thành phố đưa vào sử dụng từ tháng 7.2020, đã hết hạn bảo hành từ tháng 7.2021.
Trước đây, theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, tuyến đê sông Hà Thanh từ cầu sắt 1 đến cầu sắt 2, mặt đê rộng 5 m bằng bê tông phục vụ vận hành, cứu hộ cứu nạn, có kết hợp giao thông nội vùng; trên mặt đê có lắp đặt các cọc tiêu cao 1,25 m, sơn trắng đỏ để cảnh báo ATGT. Tại thời điểm dự án được phê duyệt vào năm 2014, khu vực dọc tuyến đê hiện trạng dân cư thưa thớt, lượng người tham gia giao thông thấp, với phương án thiết kế như trên là phù hợp.
Để đảm bảo an toàn, UBND TP Quy Nhơn đã chỉ đạo UBND phường Nhơn Phú giải thích, hướng dẫn người dân khi tham gia giao thông phải hạn chế tốc độ. “Trong tương lai nếu khu vực này được đô thị hóa với lượng người tham gia giao thông tăng cao, UBND thành phố sẽ xem xét lắp đặt hệ thống ATGT phù hợp với điều kiện thực tế”, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam thông tin.
VĂN LƯU