Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7:
Những cuốn sách quý của một nhà báo thời lửa đạn
Trong dịp kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2022), tôi rất vui được nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, gửi tặng bài bút ký đăng trên Báo Hải Phòng cuối tuần, nhan đề Từ thành phố Hoa Phượng Đỏ nhớ Lộc Ninh.
Bài bút ký của nhà báo Quốc Toàn thật sự cuốn hút tâm trí tôi ở cả nội dung và nhân vật đặc biệt mà anh ngưỡng mộ. Người đó chính là nhà báo Kim Toàn, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng, nguyên Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam…Trong bài viết, anh kể về nỗi trăn trở của nhà báo Kim Toàn do tuổi cao, sức khỏe kém, nên không thể vào Bình Phước để dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Lộc Ninh, nơi ông đã nhiều năm công tác và có nhiều kỷ niệm sâu sắc tại vùng đất đỏ này....
Cũng nhờ nhà báo Quốc Toàn kết nối thông tin, chỉ thời gian ngắn sau đó, tôi đã liên hệ được với nhà báo Kim Toàn và rất vui được nhà báo gửi tặng gói quà gồm ba quyển sách “Làm Báo ở chiến trường”, “Viết trong lửa đạn” và “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch”. Nhận những cuốn sách quý của nhà báo Kim Toàn, tôi rất vui mừng và cảm động.
Trước đây, tôi từng biết nhà báo Kim Toàn - một nhà báo tài năng, lịch lãm là Tổng Biên tập Báo Hải Phòng. Điều đặc biệt tôi quan tâm, trước hết vì ông là Tổng Biên tập tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cảng - nơi hồi tuổi thơ, tôi từng là học sinh miền Nam cùng chúng bạn sống xa cha mẹ, có nhiều năm gắn bó, được học tập và có cuộc sống êm đềm trong sự chăm nuôi, yêu thương tận tình của người dân Hải Phòng... Lần đầu tiên tôi được gặp ông là khi cùng đoàn Báo Bình Định dự cuộc hội thảo báo các Đảng bộ các tỉnh, thành phố trong nước tại thành phố Vinh do Báo Nghệ An tổ chức năm 1995. Tại đây, tôi lại biết thêm nhà báo Kim Toàn - một Tổng Biên tập năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và rất hăng say trong hoạt động báo chí từ những năm đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Tuy vậy, khi được đọc các tác phẩm hấp dẫn của ông, tôi (và có thể rất nhiều bạn đồng nghiệp) mới biết nhà báo Kim Toàn còn từng là một phóng viên mặt trận xông xáo, gan dạ, quả cảm, nhiều năm nằm gai nếm mật tại chiến trường miền Nam.
Những quyển sách của nhà báo Cao Kim - Kim Toàn, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, đã xuất bản
Hàng ngàn trang sách của nhà báo Kim Toàn là cả một kho tư liệu quý hiếm về những sự thật chiến trường được viết bằng máu của một phóng viên thuộc thế hệ các nhà báo cách mạng kiên trung đã dành trọn tuổi thanh xuân, tác nghiệp giữa nơi lửa đạn vô cùng ác liệt, góp phần cùng quân và dân miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những con chữ bé nhỏ không chỉ giúp tôi và nhiều bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự cống hiến thầm lặng của ông mà còn hiểu thêm về các nhà báo đàn anh danh tiếng khác trong những năm tháng tay bút, tay súng, lăn lộn giữa nơi chiến trận đầy gian khổ, hy sinh.
Nhà báo Kim Toàn sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Từ năm 1960, chàng trai trẻ Kim Toàn đã dấn thân vào nghề báo và sớm trở thành cây bút, tay máy chủ lực của Báo Kiến An, sau đó là Báo Hải Phòng. Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhà báo Kim Toàn xung phong vào tiền tuyến lớn. Gần nửa năm trời, ông cùng đoàn nhà báo miền Nam bí mật đi bộ, lặn lội vượt rừng sâu, núi cao, vực thẳm trên tuyến đường Trường Sơn với biết bao hiểm nguy mới vào đến miền Đông Nam Bộ. Ông được phân công làm phóng viên Báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đó, nhà báo Kim Toàn mang bút danh Cao Kim. Suốt gần một thập niên liên tục hoạt động tại chiến trường Nam Bộ và Khu Sài Gòn - Gia Định, nhà báo Cao Kim có mặt ở khắp các vùng, từ nông thôn đến thành thị, từ rừng núi đến đồng bằng, từ vùng giải phóng đến vùng ta và địch tranh chấp; có thời gian còn bí mật hoạt động ngay giữa Sài Gòn - sào huyệt địch.
Nhà báo trẻ Cao Kim, phóng viên Báo Giải Phóng , khi công tác ở chiến trường Nam Bộ
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, không ít nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh hoặc mang trên mình nhiều thương tích khi tác nghiệp và chiến đấu tại mặt trận. Mặc dù nhiều lần bị đạn bom vùi lấp, bị địch bao vây, truy bắt và phải đối mặt với biết bao hiểm nguy khác, thậm chí từng có “giấy báo tử” sau trận chiến đấu chống địch phản kích ác liệt tại vùng ven Sài Gòn - Gia Định đầu năm 1968, cơ quan Báo Giải Phóng tại chiến khu đã làm lễ truy điệu, nhưng “liệt sĩ” Cao Kim vẫn may mắn trở về trong niềm vui, xúc động của đồng đội.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, nhà báo Cao Kim lại trở về Hải Phòng, góp phần cùng nhân dân và các đồng nghiệp thành phố Cảng thân yêu xây dựng quê hương bằng trái tim đầy nhiệt huyết và cây bút sắc sảo từng được tôi luyện vững vàng trong lửa đạn.
Đọc các cuốn sách của ông với cả ngàn trang viết, có những bài tôi đọc đi, đọc lại hai, ba lần mà vẫn không cầm được nước mắt, bởi những trang viết thấm đẫm tình người, tình đồng đội, đồng nghiệp, tình quân - dân và đầy tính nhân văn sâu sắc. Những bài viết với nhiều thể loại phong phú cùng những tấm ảnh, bức vẽ tại trận của ông (và cả những thước phim tư liệu quý giá hiện có tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam - tôi được nghe các nhà báo đàn anh nhắc đến) là những dấu ấn đặc biệt được ghi lại bằng máu mà từng giờ, từng phút ông cùng các nhà báo - chiến sĩ phải vượt qua, giành giật từ lằn ranh giữa sự sống và cái chết mới có được…
Là người trong cuộc, với những tư liệu sống động, chân thực tại mặt trận, nhà báo Cao Kim thể hiện sắc sảo qua từng bài viết sinh động, hấp dẫn, lột tả được khí thế chiến đấu hào hùng, tinh thần lạc quan, tin tưởng vào ngày toàn thắng và những tấm gương hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ giải phóng và đồng bào ta giữa nơi tuyến đầu chống Mỹ xâm lược.
Nhà báo Cao Kim (bên phải) cùng nhà báo Vũ Dũng trên đường công tác vượt qua sông Vàm Cỏ Đông.
Trong tập “Làm báo ở chiến trường…”, ông phác họa rất sắc nét những tấm gương sáng nổi danh trong làng báo Việt Nam. Tiêu biểu là hình ảnh nữ nhà báo Thụy Nga (Bảy Vân), cựu Ủy viên Ban Biên tập Báo Hải Phòng - phu nhân của Tổng Bí thư Lê Duẩn (trong bài “Nữ nhà báo vượt biển về Nam”). Bất chấp mọi hiểm nguy, nhà báo Thụy Nga bí mật cùng các chiến sĩ đoàn tàu không số lênh đênh trên biển suốt hai tháng trời, vượt qua sóng to, gió lớn cùng sự bao vây, tấn công, truy đuổi của tàu địch và trở về Nam Bộ quê hương, góp phần kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là tấm gương nhà báo Hồng Châu (tức nhà văn, nhà báo Thép Mới nổi tiếng), Trưởng Tiểu ban Báo chí miền Nam kiêm Tổng Biên tập Báo Giải Phóng, cùng một số đồng nghiệp bí mật hoạt động tại nơi đô thành đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy long trời lở đất của quân và dân miền Nam mùa xuân Mậu Thân 1968 (bài“Chúng tôi đột nhập Sài Gòn”). Đó là tấm gương hy sinh anh dũng của nhà báo Trương Thị Mai (“Chuyện người đi mãi không về”). Nữ nhà báo Sáu Mai hoạt động công khai giữa vùng địch kiểm soát, không may bị chúng bắt. Dù địch dùng mọi kiểu đòn tra tấn cực kỳ dã man, hiểm ác, nhà báo Sáu Mai vẫn kiên trung, giữ tròn khí tiết của người chiến sĩ giải phóng. Bất lực và run sợ trước tinh thần bất khuất của nhà báo cách mạng, kẻ địch đã hèn hạ thủ tiêu và đem giấu xác chị…
Vẫn tập sách này, nhà báo Cao Kim còn ghi lại khá chi tiết những kỷ niệm sâu sắc đáng nhớ trong cuộc đời làm báo của mình. Đó là những ngày tháng nhà báo bí mật đột nhập trung tâm đầu não của địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam ta tại Sài Gòn - Gia Định hồi Tết Mậu Thân năm 1968.
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử ấy, ngay từ tháng cuối năm 1967, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và Báo Giải Phóng phân công nhà báo Cao Kim đi cùng nhà báo Hồng Châu (Thép Mới) bí mật đột nhập Sài Gòn, hoạt động báo chí với nhiệm vụ đặc biệt: vừa phản ánh kịp thời cuộc đấu tranh anh dũng, sáng tạo của quân và dân ta, vừa chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để khi có thời cơ sẽ cùng lực lượng tại chỗ xuất bản một tờ báo cách mạng giữa đô thành Sài Gòn. Kế hoạch của hai người rất cụ thể: Nhà báo Hồng Châu chuẩn bị viết xã luận, bình luận cùng một số bài chốt và biên tập những văn bản quan trọng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và chính quyền cách mạng cần công bố. C̣n các việc khác để ra báo, từ chuẩn bị măng-sét (tên tờ báo), viết tin, bài, biên tập, chụp ảnh, trình bày, xây dựng các trang, mục, đến tập hợp lực lượng viết, liên hệ tìm cơ sở in, đọc lại bản in thử và tổ chức các nhóm phát hành báo đến công chúng…, nhà báo Hồng Châu đều tin cậy giao nhà báo Cao Kim đảm nhiệm. Thông thường, khi xuất bản một tờ báo cần phải có một số người làm và có thời gian cần thiết để chuẩn bị. Vậy mà trong hoàn cảnh này chỉ có một người bí mật lo liệu, vừa làm vừa tính, lại ngay giữa sào huyệt của Mỹ- ngụy lúc nào cũng dày đặc lực lượng bảo vệ cùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, kiểm soát rất gắt gao; hơn nữa, còn phải luôn sẵn sàng chiến đấu, tránh mọi sự theo dõi, truy lùng của địch. Đối với nhà báo Cao Kim, đây là công việc cực khó và vô cùng nguy hiểm. Tuy vậy, với tinh thần dũng cảm, sáng tạo, ý chí chiến đấu của một nhà báo-chiến sĩ, ông vẫn tìm mọi cách để làm và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi bất ngờ bị đòn choáng váng và thất bại nặng nề trong đợt một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đầu mùa xuân ấy, Mỹ-ngụy dồn mọi lực lượng phản kích dữ dội. Chúng điên cuồng mở nhiều cuộc càn quét, khủng bố đẫm máu, gây cho ta nhiều khó khăn và tổn thất không nhỏ. Do chiến sự diễn ra khắp thành phố ngày càng ác liệt, tình hình diễn biến rất nhanh và phức tạp, việc chuẩn bị ra báo tại chỗ gặp nhiều khó khăn. Để tránh nguy hiểm, bảo toàn lực lượng và phù hợp với tình hình mới, cấp trên quyết định rút nhà báo Hồng Châu ra khỏi nội đô, chỉ để nhà báo Cao Kim ở lại vừa tiếp tục hoạt động báo chí, vừa góp phần chiến đấu chống địch phản kích. Lập tức, nhà báo Cao Kim được bổ sung vào Đội tuyên truyền vũ trang T4 (Sài Gòn - Gia Định). Tay bút, tay súng, Cao Kim lại cùng đồng đội xông pha quần nhau với địch trong những trận chiến đấu sinh tử triền miên suốt cả ban ngày lẫn ban đêm, ở khắp các địa bàn, từ các quận nội thành đến ngoại thành và vùng phụ cận, nhất là tại cửa ngõ phía Tây Nam Sài Gòn - Chợ Lớn. Những ngày liên tục đương đầu với đạn bom ác liệt ấy, do luôn bám sát trận địa, gắn bó với đồng đội và nhân dân lao động, nhà báo Cao Kim vẫn kịp thời có những bài viết nóng bỏng tính thời sự, gửi về Báo và Đài phát thanh Giải phóng.
Các bài viết tại trận của ông đều sinh động, hừng hực khí thế cách mạng, như “Sài Gòn rực lửa đầu xuân”, “Sau giờ nổ súng”, Chiến sĩ Sài Gòn”,“Tiếp lửa cho nội thành”, “Chuyện má Tư Trầu”, “Dấu ấn K2 giữa vùng tam giác sắt”, “Trận phá vây bên dòng Vàm Cỏ”, “Sáng mãi tên anh”, “Lộc Ninh vững bước đi lên”, “Những tội ác chồng lên tội ác”, “Bù Đốp - mùa vui mới”, “Đón khách quốc tế thăm vùng giải phóng”…Ngòi bút của ông phác họa đậm nét những tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ lực lượng vũ trang giải phóng, tình thần yêu nước của người dân và tình cảm của đồng bào ta luôn hướng về cách mạng... Với bút pháp linh hoạt và mang đậm chất văn, các bài phản ánh của nhà báo Cao Kim rất truyền cảm, dễ đi vào lòng người. Khi kể chuyện, khi mô tả trận chiến đấu ác liệt để phá vòng vây của giặc hoặc chống địch phản kích; lúc viết về đồng nghiệp, về tình nghĩa quân - dân trong chiến đấu hay tố cáo tội ác của giặc…, mỗi khía cạnh, tình tiết đều khúc chiết và hấp dẫn. Đọc các bài của nhà báo Cao Kim, nhiều khi tôi cảm thấy như mình cũng là người trong cuộc, cùng lo nỗi lo với tác giả, cùng đau nỗi đau của người dân …và những dòng nước mắt cũng từ đó tự tuôn chảy…
Với trên 320 trang, viết tại nhiều địa bàn, ở các thời điểm khác nhau, gồm nhiều nhân vật, sự kiện và bằng nhiều thể loại,“Viết trong lửa đạn” của nhà báo Cao Kim là tập sách thấm đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp ta hiểu sâu hơn về cuộc kháng chiến vĩ đại vì nền độc lập, tự do của dân tộc; về hoạt động của đội ngũ báo chí cách mạng tại chiến trường và sự hy sinh thầm lặng của biết bao nhà báo yêu quý của chúng ta trong những năm tháng vô cùng khó khăn, gian khổ.
Tập truyện ký “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch” cũng là một bản anh hùng ca về tấm gương nữ chiến sĩ giao liên mật Sài Gòn - Gia Định thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sáu Thắm là một nữ sinh trung học xinh đẹp, quê Sài Gòn chính gốc. Tuy dáng người bé nhỏ nhưng em rất thông minh, mưu trí, dũng cảm và táo bạo, luôn biết dựa vào dân để tự bảo vệ mình, vượt qua mọi hiểm nguy giữa trung tâm đầu não của giặc, nhiều lần qua mắt cả bầy cú vọ, sói lang. Hai lần bị chúng bắt giam, em đều khôn khéo tìm cách thoát khỏi tay địch và không để lộ các cơ sở bí mật. Em đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng. Một tấm gương đáng khâm phục và học tập đối với tuổi trẻ nói chung và phụ nữ nói riêng trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh...
Hầu hết các bài viết của nhà báo Cao Kim tại chiến trường đều được đăng trên Báo Giải Phóng, Báo Quân Giải phóng, một số báo lớn ở miền Bắc và được phát sóng trên Đài Phát thanh Giải Phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam…. Những bài báo góp phần lan tỏa tinh thần lạc quan, tư tưởng tiến công, cổ vũ, động viên các lực lượng vũ trang giải phóng và nhân dân ta từ các nông thôn đến thành thị, từ vùng giải phóng đến các vùng còn tranh chấp và vùng bị địch kiểm soát; củng cố niềm tin vào cách mạng, thực hiện tốt chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, quyết tâm giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến của dân tộc chống Mỹ xâm lược.
Nhân đọc những bài viết tại chiến trường của nhà báo Cao Kim, tôi lại nhớ những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi tôi công tác ở CP 90 (đài phát thanh bí mật cùng mang tên Đài phát thanh Giải phóng, nhưng đặt tại miền Bắc, gọi là Đài A, có nhiệm vụ chi viện về nội dung thông tin tuyên truyền và kỹ thuật phát sóng cho Đài phát thanh Giải phóng B tại miền Nam). Hồi ấy, hằng ngày, chúng tôi thường xuyên nhận được tin, bài của các phóng viên chiến trường của Đài Phát thanh Giải phóng B và các báo bạn từ miền Nam gửi ra theo đường truyền điện báo đặc biệt. Mỗi khi nhận được tin, bài, các phòng công tác của chúng tôi đều nhanh chóng chuyển cho nhau biên tập và kịp thời sử dụng trong các chuyên mục phù hợp. Những thông tin nóng hổi của đồng nghiệp gửi từ tiền tuyến là nguồn tư liệu quý giá, giúp chúng tôi có cơ sở xây dựng các chương trình, chuyên mục để phối hợp hoạt động nhịp nhàng với Đài B. Cũng do yêu cầu của công việc, tôi may mắn được đọc khá nhiều bài của các đồng nghiệp viết tại trận, trong đó có không ít bài của nhà báo Cao Kim. Dù viết thể loại nào và nêu sự kiện gì, tác giả Cao Kim cũng thể hiện sinh động với những tư liệu chọn lọc, bằng bút pháp linh hoạt, sắc sảo. Những bài viết đầy tình cảm cách mạng và khí thế chiến đấu luôn có sức thu hút nhiều người đọc, người nghe. Mới đây, tôi còn biết thêm: những năm hoạt động tại miền Nam, nhà báo Cao Kim không chỉ làm phóng viên Báo Giải Phóng mà nhiều tháng còn được phân công làm biên tập viên Tổ thời sự chính trị - quân sự - đô thị của Đài Phát thanh Giải phóng B và gửi khá nhiều bài cho Đài A. Vậy là ngay từ hồi đó, tôi đã có niềm vui được cùng công tác với tác giả Cao Kim trong Đài phát thanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam mà tôi không biết.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, từ một người làm báo trẻ của Đài A năm xưa, giờ mái đầu đã ngả màu sương, tôi chỉ mới một lần gặp nhà báo Cao Kim. Nay được đọc ba tập sách của ông, tôi càng thêm tự hào vì từng “chung chiến hào” với một nhà báo tài năng, bản lĩnh, một tấm gương sáng về lòng quả cảm và sự kiên trung…Dù rằng có muộn nhưng với tôi, đây vẫn là một sự may mắn và là kỷ niệm đẹp đáng nhớ trong đời làm báo củả mình.
Nhà báo Hồng Châu, tức Thép Mới (bên phải) và nhà báo Cao Kim - hai người từng hoạt động bí mật tại nội đô Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh chụp sau ngày miền Nam được giải phóng).
Gần một thập niên làm phóng viên giữa lửa đạn chiến trường, với cây bút và cây súng, nhà báo Cao Kim đã từng viết rất nhiều tin, bài và chụp hàng ngàn tấm ảnh thời sự quý giá. Những bài viết, tấm ảnh phải đổi bằng máu, thật hấp dẫn, cuốn hút sự quan tâm, ngưỡng mộ của nhiều người, trong đó có nhiều bài làm cho người đọc xúc động không cầm được nước mắt.
Điều khiến tôi có ấn tượng đặc biệt khi đọc các cuốn sách quý này là, bên cạnh những trang viết chân thực của tác giả, có khá nhiều tấm ảnh do người khác chụp Cao Kim. Người đọc thấy rõ Cao Kim có lúc mặc bộ đồ bà ba đen, cổ quấn khăn rằn; có lúc mặc trang phục Quân Giải phóng, mang súng AK với dáng gầy còm và cao lênh khênh. Có ảnh ông vừa cùng các chiến sĩ du kích chiến đấu chống địch càn quét tại vùng phụ cận Sài Gòn; có ảnh sau trận chiến đấu phản kích tại cửa ngõ phía Tây Nam Sài Gòn- Chợ Lớn (1968). Nhìn bức ảnh Cao Kim dáng cao nhòng và ốm nhách, lại mặc quân phục màu đen, đeo súng ngắn, quấn khăn dù và mang thắt lưng to bản, tôi tưởng như ông không thể gầy hơn được nữa. Có tấm ảnh ông cùng nhà báo Võ Anh Dũng trước khi vượt sông Vàm Cỏ Đông (1970); có ảnh ông sau một trận bị bom đạn đạn Mỹ vùi lấp dưới hầm ở Lộc Ninh mới được đồng đội cứu sống (1973), v. v… Nhưng vượt trên tất cả, đó là hình ảnh một chàng trai trẻ trong tư thế tự tại và nụ cười rất tự nhiên, hiền hậu, đầy vẻ bình tĩnh, lạc quan, hiên ngang như chưa từng qua gian khó. Nụ cười trên khuôn mặt ông như nói lên: kháng chiến là vô cùng khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhưng đạn bom hầu như bất lực trước ý chí quyết tâm, nghị lực kiên cường của ông - nụ cười của người tự tin vào chiến thắng! Nụ cười tươi và những bài báo hừng hực khí thế cách mạng và đầy tính nhân văn của ông đem đến cho người đọc một cảm giác xúc động thật sự, một niềm tin ở tính chân thực và sự hấp dẫn, cuốn hút của những sự kiện và câu chuyện ông viết.
Nụ cười toát lên sự chân thành như ánh nắng thường trực nơi ông cho thấy Cao Kim đúng như nhận xét của nhà báo Hồng Châu, Tổng Biên tập Báo Giải Phóng, từng nói về người phóng viên kiên cường, gan dạ của mình:“ Ở Báo Giải Phóng, cậu ấy là một phóng viên rất nhiệt tình, có thể viết nhiều thể loại, chụp ảnh và trình bày báo đều được”…; “Cao Kim từng đi nhiều nơi, không chỉ tới các vùng giải phóng mà cả vùng đang tranh chấp và vùng địch kiểm soát…, nơi nào cậu ấy cũng xông xáo, dũng cảm, gan dạ, luôn đi đầu trước mọi hiểm nguy”…; “Cao Kim có nhiều tháng hoạt động tại vùng rừng núi - nơi dày đặc bom đạn và chất độc hóa học của Mỹ, không những phải cùng anh em làm rẫy, tự túc lương thực để sống mà luôn bị sốt rét, nhưng cậu ấy vẫn tìm cách viết bài gửi về cơ quan...; “Nguy hiểm và ác liệt nhất phải kể đến chuyến công tác cuối năm 1967, Cao Kim cùng tôi bí mật đột nhập Sài Gòn - Gia Định trước khi ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 lịch sử. Tôi đã dặn Cao Kim “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Để tránh kẻ địch theo dõi, phát hiện, lúc đó không nhất thiết phải vào quá sâu nội đô, nhưng cậu ấy ít chịu ở vòng ngoài. Chính đợt ấy, trong một trận tham gia chiến đấu ác liệt chống địch phản kích, Cao Kim đã bị thương và có giấy báo tử, nhưng may mắn, cậu ấy vẫn trở về. Tôi và Cao Kim có những kỷ niệm nhớ đời trong thời gian hoạt động giữa sào huyệt địch…”; “Có lần, tại khu căn cứ, Cao Kim bị viêm gan nặng nhưng cố giấu các cơn đau, tôi phải buộc cậu ta nằm lên võng và cử bốn anh em đồng nghiệp thay nhau khiêng gấp tới bệnh viện Liên cơ trong rừng cấp cứu mới qua cơn nguy kịch”…;“Năm 1973, khi đang là phóng viên Báo Giải Phóng phản ánh về các cuộc trao trả tù binh tại Lộc Ninh, Cao Kim còn từng bị vùi lấp dưới hầm vì Mỹ - ngụy phá hoại Hiệp định Pa-ri, trắng trợn cho máy bay ném bom hủy diệt thị xã, gây thêm tang tóc đối với đồng bào ta. May mà cậu ấy được đồng đội và bà con đào đất kéo lên, cứu chữa kịp thời”...; “Đầu năm sau, trên đường hành quân ở miền Trung, Cao Kim lại suýt bị báo tử vì do đột ngột bị xuất huyết toàn thân. Dù kiệt sức vì mất máu quá nhiều, phải cấp cứu tại bệnh viện quân y gần nửa tháng, nhưng cậu ấy vẫn lạc quan, tự tin, đầy trách nhiệm với anh em, đồng đội và chiến thắng bệnh tật”… (bài“Nhà báo Kim Toàn và dấu ấn trong lòng đồng nghiệp” của Đỗ Khánh Toàn).
Như một định mệnh, suốt sáu chục năm dấn thân vào nghề báo, nhà báo Kim Toàn - Cao Kim đã cháy hết mình cho nghiệp báo chí. Ông thuộc thế hệ nhà báo cách mạng kiên trung, đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình trong gần mười năm tại tiền tuyến lớn, góp phần cùng quân và dân miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đối với một nhà báo chiến trường, phải đối đầu với kẻ thù là đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước, đó chính là thước đo về ý chí, tinh thần của một nhà báo - chiến sĩ. Nhà báo Cao Kim đã chứng tỏ bản lĩnh của một nhà báo - chiến sĩ cách mạng kiên cường.
Những quyển sách mới xuất bản của nhà báo Cao Kim, với người thực việc thực chứa đựng nhiều thông điệp và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không những giúp người đọc hiểu thêm về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc; nhân dân ta đoàn kết một lòng quyết chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ nền độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ đất nước mà còn cho chúng ta biết thêm về hoạt động báo chí tại chiến trường và sự hy sinh anh dũng, cao cả của các nhà báo cách mạng, để ta thêm tự hào về truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam…Đây cũng là những bài học kinh nghiệm, thực tế quý báu giúp các nhà báo trẻ bồi dưỡng thêm lòng yêu nước, yêu nghề, tiếp bước truyền thống của cha anh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà báo, nhà văn BÙI THỊ XUÂN MAI
(Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Bình Định)