Thơm thảo bánh dây Bồng Sơn
● Tản văn của NGÔ VĂN CƯ
Trên đất nước mình, địa phương nào cũng có những món ăn in đậm nét vùng miền, như món thắng cố của đồng bào H’Mông ở Tây Bắc; món thịt chuột đồng ở miền Tây Nam bộ… Và đôi khi trong một tỉnh, huyện cũng có những món ăn chỉ xuất hiện trong địa phương hẹp.
Ở xứ Nẫu Bình Định, nghĩ đến sản vật đặc trưng, nhiều người sẽ nghĩ đến bánh hỏi cháo lòng, bánh ít lá gai, rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa Tam Quan, hoặc cũng có thể kể đến bánh cuốn, gié bò Tây Sơn; nem chợ Huyện Tuy Phước; bún tôm, bún rạm Phù Mỹ. So với những món vừa kể, bánh dây Bồng Sơn có vẻ khuất lấp hơn trong trí nhớ của mọi người, nhưng chỉ cần một lần nếm qua món ăn giản dị này, bạn sẽ cảm nhận được luôn nét hồn hậu của người xứ Dừa thơm thảo.
Tranh của họa sĩ LÊ THƯỚC
Không rõ món bánh dây Bồng Sơn xuất hiện từ khi nào nhưng thuở còn cắp sách đến trường tôi đã được ăn vì có thể bắt gặp bất cứ đâu trong những gánh hàng rong và rất rẻ. Bọn trẻ lao nhao ngồi quanh gánh hàng mà trố mắt nhìn bánh được cắt từng đoạn rồi sắp ngay ngắn ra dĩa. Một ít dầu hẹ thoa đều, một ít đậu phộng rang, một ít nước mắm đã pha chế và các loại rau sống được xếp bên trên, tạo thành một món ngon bắt mắt với màu vàng của bánh dây, màu xanh của các loại rau, màu đỏ của ớt trong nước mắm.
Người Bồng Sơn quen với món ăn này, nhưng mỗi lần đều cảm nhận được mùi thơm nhẹ của vị gạo cũ, vị bùi của đậu phộng, phảng phất mùi nồng nhẹ của dầu hẹ, độ cay vừa phải của ớt và độ dai đặc trưng của bánh. Tất cả màu sắc và hương vị trong món bánh mang dáng vẻ mộc mạc bình dân nhưng càng ăn càng thấy ngon miệng.
Có về Bồng Sơn để được nghe cách làm bánh mới hiểu hết công kỷ của người làm khi chế biến món ăn này. Những công đoạn chế biến không nhiêu khê nhưng đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo, đặc biệt là khâu chọn nguyên liệu cũng vô cùng quan trọng.
Gạo dùng làm bánh dây phải là gạo lúa cũ mới tạo được vị dai của sợi bánh. Sau khi vo sạch, gạo sẽ ngâm với nước tro củi khoảng 6 - 7 giờ, bánh mới ngon, tốt nhất là tro từ củi than dừa. Tro bếp được sàng mịn, cho vào thau nước, khấy lên nhiều lần cho tro lắng xuống, bỏ tạp chất, lấy phần nước trong để ngâm gạo. Tiếp đó, gạo đem xay thành bột và hấp chín. Trong quá trình hấp, phải khuấy liên tục để bột chín đều, không bị cháy. Khi bột đặc lại và ráo nước thì ngắt thành miếng nhỏ cho vào khuôn ép thành những vỉ bánh gồm nhiều sợi bún nhỏ. Những vỉ bánh này lại hấp cách thủy một lần nữa cho chín đều có màu vàng nhạt ưa nhìn.
Bánh dây đạt chất lượng là những sợi bánh màu vàng nhạt, sợi như bún, các sợi hơi dính với nhau nhưng vẫn có thể tách ra dễ dàng; có lẽ vì thế mà còn được gọi là bánh, khi ăn mới xé rời. Vậy mới biết, món ngon nom giản dị như thế nhưng lại là kết quả của nhiều công đoạn chi li, kỹ lưỡng.
Món bánh dây mộc mạc, dân dã nhưng có phần kỳ công này đã là thương hiệu cho tên gọi xứ dừa Bồng Sơn. Hiện nay, bánh dây không chỉ xuất hiện quanh quẩn ở xứ Dừa nữa mà đã có mặt nhiều nơi trong tỉnh và nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội cũng như sự phát triển về giao thông, vận chuyển, bánh dây Bồng Sơn ra lò buổi chiều hôm trước nay đã có thể có mặt trên bàn ăn tại TP Hồ Chí Minh vào sáng hôm sau.
Tôi đã được ăn món bánh dây ở Bồng Sơn và nhiều nơi khác trong tỉnh nhưng chưa lần nào ấn tượng như lần đầu tiên ăn bánh dây Bồng Sơn giữa Sài Gòn hoa lệ. Cái hương vị và dáng vẻ quê mùa, mộc mạc bình dân của bánh dây Bồng Sơn hoàn toàn không lạc quẻ giữa chốn thị thành sang trọng mà ngược lại có vẻ như đã điểm tô thêm cho vùng đất mở lòng này. Đồng bào miền Nam thích thú khi thưởng thức bánh dây cũng như xứ sở này đã dang tay đón nhận đồng bào miền ngoài vào đây tìm cơ hội đổi đời.
Nhưng vẫn phải nói đến chuyện thưởng thức bánh dây ở hàng quán Bồng Sơn chứ! Ta sẽ không mất nhiều thời gian chờ đợi đâu bạn ạ. Chỉ cần ít phút là một dĩa bánh thơm ngon, hấp dẫn được mang ra. Mới nhìn, ta sẽ thấy nó giống như một dĩa bún hay miến xào bình thường khác. Nhưng phải thưởng thức mới thấy tên gọi “bánh dây Bồng Sơn” chẳng phải tự nhiên mà có. Cứ nhìn người bán nhanh tay xé rời từng vỉ bánh rồi cắt thành từng đoạn vừa miếng ăn và cho vào dĩa, thoa đều chút dầu hẹ, thêm ít đậu phộng rang giã nhỏ, và rưới vài muỗng nước mắm đã pha chế… mà thấy thèm. Đến khi gắp một miếng bánh dây ghém cùng vài miếng rau sống, rồi cho vào miệng mà tận hưởng lại thấy ruột gan như sung sướng làm sao với sự giản dị.
Bánh dây Bồng Sơn phải ăn theo kiểu bún trộn và để nguội mới ngon. Có thể ăn kèm với bánh tráng nướng giòn rụm cho vui miệng nhưng nhất định không ăn kèm với thịt như các loại bánh khác, vì nó sẽ làm mất đi hương vị đặc trưng của bánh. Vì vậy, thưởng thức dĩa bánh dây thơm ngon có lẽ không đâu tuyệt bằng không khí dân dã, chân thành của những hàng quán bình dân ven sông Lại.
Bánh dây Bồng Sơn đã góp phần làm phong phú sắc màu ẩm thực của người Bình Định. Trên con đường thiên lý Bắc Nam, nếu được, hãy ghé đến Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn để cảm nhận chút dư vị của đồng quê dân dã, chắc chắn sẽ đem lại cho mọi người một trải nghiệm ẩm thực khó quên. Quả thật, đã ngang qua Bình Định mà không thử qua món ăn này thì đáng tiếc lắm đấy!