Những sáng tạo trong kỹ thuật nung gốm Champa
Trong di sản văn hóa Champa còn trên đất Bình Định, phần rất quan trọng không thể không nhắc đến là di tích 6 khu lò gốm cổ có niên đại thế kỷ XIV - XV. Gốm thương mại được xem là một ngành sản phẩm thành công của vương quốc Champa khi nó có mặt khá rộng trên bản đồ thế giới từ các nước lân cận ở Đông Nam Á cho đến các nước Đông Bắc Á, Trung Đông xa xôi.
Những sản phẩm đồ gốm phát hiện tại 6 khu lò gốm cổ trên đất Bình Định rất phong phú về loại hình sản phẩm, chất liệu men, hoa văn trang trí… Sự thành công của dòng gốm cổ Champa hay như một số người vẫn hay gọi là gốm cổ Gò Sành một phần đến từ kỹ thuật nung gốm điêu luyện của những nghệ nhân bấy giờ. Có thể nói như vậy bởi tất cả còn lưu lại khá rõ nét, thông qua các dụng cụ kỹ thuật phục vụ chế tác, nung gốm thu được trong các cuộc khai quật khảo cổ học tại Bình Định.
Nắp lon sành.
Về tổng quan, kỹ thuật chế tác gốm tráng men cao cấp của người Champa xưa tương đồng như ở Trung Quốc, Đại Việt… Tuy nhiên, khi nghiên cứu sâu về quy trình kỹ thuật của dòng gốm cổ Gò Sành thì vẫn có những yếu tố sáng tạo độc đáo của nghệ nhân Champa.
Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ học khu lò gốm cổ của người Champa xưa cho thấy họ nung gốm chủ yếu trong các lò ngang (còn gọi là lò ống) chứ không phải bằng kiểu lò đứng vốn khá phổ biến ở các nền văn hóa lân cận. Thời kỳ đầu, thành lò được đắp hoàn toàn bằng đất nên gọi là lò chình tường, về sau tường lò thường được ghép từ những bao thơi có nện đất bên trong. Trong kỹ thuật nung gốm của người Champa thời bấy giờ, có rất nhiều dụng cụ độc đáo, chính những dụng cụ này đã đưa chất lượng gốm Champa lên những đỉnh cao sáng tạo.
Đầu tiên là phải kể đến những con kê được sử dụng rất nhiều trong các lò nung gốm Champa. Con kê thường có hai loại - 4 chấu và 5 chấu, kích thước cũng khác nhau tùy vào mục đích sử dụng. Con kê là dụng cụ để tách các phôi gốm (bát, đĩa…) khi xếp chúng liên tục, chồng lên nhau đưa vào lò nung. Sử dụng con kê, khi nung xong sản phẩm ít bị dính với nhau, việc tách các sản phẩm ra cũng dễ dàng hơn, độ hoàn chỉnh cũng như chất lượng sản phẩm cũng cao hơn. Đặc biệt, khi chồng xếp sản phẩm bằng con kê, thợ gốm có thể thực hiện việc tráng men toàn bộ sản phẩm chứ không phải chừa lại một vết ve lòng không tráng men. Hơn nữa nhờ đó còn giúp tăng số lượng sản phẩm trong một mẻ nung gốm. Chỉ với một phát minh nho nhỏ, người thợ gốm Champa đã đưa nghề gốm sang một trang mới.
Con kê 5 chấu.
Một dụng cụ khác đưa kỹ nghệ gốm gia dụng tráng men Champa lên một nấc mới là những chiếc bao thơi. Những chiếc bao thơi thường có dáng hình trụ tròn, bên trong rỗng; thành thẳng đứng, dày, cứng chắc; gần đáy thường chừa một lỗ khoảng bằng ngón tay, có tác dụng thoát khí và nhiệt cho các sản phẩm bát, đĩa đựng bên trong bao thơi khi nung.
Bao thơi.
Đối với các sản phẩm gốm tráng men cao cấp thì một yêu cầu tối quan trọng là không để sản phẩm bị các lỗi như rạn nứt, sống men, men không mịn mà bị rỗ, tạp chất bám lên bề mặt, làm mất độ sắc sảo, giảm thẩm mỹ của sản phẩm. Chính vì vậy, những chiếc gốm bao thơi kích thước lớn có nắp để đựng những sản phẩm gốm tráng men ở bên trong khi nung sẽ hạn chế những lỗi như đã nói ở trên. Do nền lò nung thường được làm dốc cao về phía đáy lò để giúp quá trình luân chuyển nhiệt độ cho các sản phẩm ở cuối lò nên khi sắp xếp những bao thơi đựng sản phẩm trên nền lò, cần phải sử dụng những thanh kê bằng gốm để giữ cho bao thơi đứng thẳng. Do đó những thanh kê nhỏ bằng gốm hình trụ dài cũng được xem là một loại gốm kỹ thuật trong quá trình nung gốm tráng men Champa.
Những sản phẩm gốm tráng men nhỏ như bát, chén, đĩa, cốc… thì được xếp đặt an toàn trong các bao thơi khi nung, còn những chiếc chóe, hũ lớn trong quá trình nung người ta lại sử dụng một loại gốm kỹ thuật gọi là lon sành để úp vào phần miệng của những chiếc hũ và chóe này nhằm ngăn không cho bụi, than, tạp chất từ trần lò nung rơi vào hũ, khiến cho hũ dễ bị biến dạng hoặc rạn nứt. Nó còn có tác dụng giữ nhiệt cho bề mặt trong của hũ khi nung. Tuy nhiên, để giúp thoát một phần nhiệt cho lòng hũ thì ở gần đáy của các lon sành này thường được khoét một lỗ nhỏ tương tự như trường hợp của bao thơi. Những lon sành này thường có kích thước khá nhỏ, vừa với phần miệng của chiếc hũ và chóe.
Khuôn in hoa văn bằng gốm.
Ngoài ra, những chiếc khuôn in hoa văn bằng gốm cũng được xem là một loại dụng cụ kỹ thuật của nghề gốm ở trình độ cao. Những chiếc khuôn in này được dùng chạm khắc hoa văn ở bề mặt sản phẩm khi phôi gốm còn ướt, sau đó đem hong khô trước khi đưa đi nung.
NGUYỄN VIẾT TUẤN