Lan tỏa nghệ thuật bài chòi dân gian đến giới trẻ
TP Quy Nhơn là một trong những địa phương đi tiên phong trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi. Bên cạnh việc duy trì hội bài chòi dân gian, thành phố còn nỗ lực thực hành, truyền dạy để lan tỏa nghệ thuật bài chòi đến với công chúng, nhất là với giới trẻ.
Từ năm 2012 đến nay, ngoài việc duy trì hoạt động của Hội bài chòi dân gian, TP Quy Nhơn còn thường xuyên tổ chức tập huấn đưa bài chòi về cơ sở, vào trường học để truyền dạy cho học sinh nhằm tạo lớp nghệ nhân kế thừa, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Không phải đợi đến khi nghệ thuật bài chòi dân gian được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại vào năm 2017, Quy Nhơn mới làm các động thái trong bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi. Chúng tôi đã đi trước một bước khi tổ chức các hoạt động truyền dạy, tổ chức nhiều hội thi, hội diễn bài chòi dân gian để vừa bảo tồn, vừa quảng bá những giá trị đặc sắc của nghệ thuật bài chòi dân gian đến với công chúng và du khách”.
TP Quy Nhơn đã nỗ lực gầy dựng đội ngũ hiệu trẻ kế thừa tốt. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Các hội thi bài chòi dân gian dành cho học sinh do thành phố tổ chức đã “tiếp lửa” cho các em đến với loại hình nghệ thuật này. Theo bà Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, nhiều năm qua, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ hô hát bài chòi dân gian cho học sinh, nhằm tạo sân chơi bổ ích, khơi dậy niềm đam mê bài chòi cho các em, để các em hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc và cùng chung tay giữ gìn.
Từ hoạt động đưa bài chòi dân gian vào trường học, em Lê Ngọc Quy, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Học, đã trở thành một hạt nhân mới của địa phương tham gia các hội diễn, hội thi diễn xướng bài chòi dân gian. “Em thích bài chòi dân gian. Khi còn học tại Trường THCS Đống Đa, em được tiếp cận nghệ thuật này bài bản hơn dưới sự truyền dạy của các cô, chú nghệ nhân về trường hướng dẫn. Từ đó, em tham gia vào CLB Bài chòi trong trường, cùng các hoạt động văn nghệ ở địa phương, hội thi của thành phố để thỏa niềm yêu thích bài chòi”, em Quy nói.
Xã đảo Nhơn Châu là một trong những địa phương điển hình của TP Quy Nhơn trong việc phát triển nghệ nhân trẻ. Em Trần Thanh Trúc, ở xã Nhơn Châu, học sinh Trường THPT Trưng Vương, thổ lộ: “Em được cha mẹ dạy hô bài chòi dân gian từ nhỏ, rồi được tham gia hội thi bài chòi dân gian dành cho học sinh khi em còn học cấp II. Mỗi khi có hội diễn, hội thi của xã hay thành phố là em tham gia. Em rất tự hào khi những người trẻ như em được góp sức phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian”.
Sự hào hứng tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng là tín hiệu vui cho thấy thế hệ trẻ đã biết trân quý, yêu thích nghệ thuật truyền thống. Không chỉ học sinh, nhiều thanh niên cũng yêu thích, tìm đến với loại hình nghệ thuật này và trở thành những anh, chị hiệu nòng cốt ở địa phương. Anh Nguyễn Công Tấn, ở xã Nhơn Lý, tâm tình: “Sự mộc mạc, giản dị, gần gũi, dễ đi vào lòng người của các làn điệu, câu thai bài chòi dân gian đã khiến tôi yêu thích và tham gia các lớp tập huấn hô hát bài chòi dân gian do thành phố tổ chức. Tôi thường xuyên góp mặt làm hiệu ở hội đánh bài chòi dân gian ở địa phương mỗi dịp lễ, tết hay tham gia hội thi do thành phố tổ chức”.
Những nỗ lực thực hành và truyền dạy bài chòi dân gian cho giới trẻ của TP Quy Nhơn đã đóng góp thiết thực trong việc tìm lực lượng nghệ nhân kế thừa để truyền đạt, phổ biến bài chòi dân gian đến công chúng, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Nghệ nhân Hoàng Việt chia sẻ: “Với sự đồng lòng, chung sức của chính quyền các cấp, ngành Văn hóa thành phố, cũng như tâm huyết của các nghệ nhân trong việc “truyền lửa” tình yêu bài chòi dân gian cho lớp trẻ, tôi nhận thấy ở Quy Nhơn đã có đội ngũ hiệu trẻ kế thừa tốt, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa của nghệ thuật này”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN