ĐOÀN THANH NIÊN XÃ CÁT KHÁNH:
Giúp thanh niên sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay
Cát Khánh là xã ven biển của huyện Phù Cát, đa số người dân sinh sống bằng các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ. Trong đó, thanh niên là lực lượng sản xuất chính, chiếm khoảng 20% dân số, nhưng đa phần không có nhiều vốn để lập nghiệp, hầu hết phải đi làm thuê.
Nhằm giúp thanh niên có điều kiện phát triển lao động, việc làm, thời gian qua, Đoàn xã Cát Khánh đã tập trung huy động và khai thác, quản lý các nguồn vốn vay ưu đãi. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế và tham gia tích cực vào các phong trào thanh niên ở địa phương.
Cụ thể, Đoàn xã Cát Khánh đã tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện cho thanh niên vay vốn để giải quyết việc làm; phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện để ĐVTN tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất có hiệu quả và áp dụng KHKT vào chăn nuôi, sản xuất… Bên cạnh đó, thông qua các buổi sinh hoạt, các chi đoàn cũng lồng ghép giới thiệu các mô hình hay, cách làm có hiệu quả trong phát triển kinh tế để thanh niên học tập.
Trại chăn nuôi heo giống của anh Huỳnh Văn Long. Ảnh: T.G
Đến nay, Đoàn xã Cát Khánh đã thực hiện ủy thác cho vay từ Ngân hàng CSXH huyện với tổng dư nợ hơn 12,8 tỷ đồng, với 6 tổ tiết kiệm vay vốn và 187 lượt hộ vay. Nguồn vốn này đã giúp nhiều thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế trang trại, gia trại, đầu tư máy móc để mở rộng sản xuất, tăng hiệu quả.
Với anh Nguyễn Tấn Dũng (ở thôn An Nhuệ, làm nghề sản xuất trần thạch cao), ban đầu, cơ sở của anh gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Được sự hỗ trợ của Đoàn xã, anh tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mua máy móc, mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ đó, cơ sở dần ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm thời vụ cho khoảng 20 lao động khác trong xã.
Sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề điện - cơ khí, đi làm ở nhiều nơi nhưng công việc không ổn định và thu nhập bấp bênh, anh Huỳnh Văn Long (ở thôn Chánh Lợi) quyết định về quê lập nghiệp. Thông qua Đoàn xã, anh được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, cộng với nguồn hỗ trợ của gia đình, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín và mua 40 heo nái giống về nuôi. Nhờ siêng năng, cần cù và chịu khó tìm tòi, học hỏi, áp dụng nhiều tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, đàn heo giống của anh sinh trưởng, phát triển tốt và sinh sản đều, cho heo con chất lượng. Từ đó, tạo thu nhập ổn định cho gia đình trên 150 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, còn nhiều thanh niên vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện thông qua các tổ vay vốn tại xã, trong đó có các tổ thuộc Đoàn Thanh niên xã quản lý, đa số đều sử dụng hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Và kinh tế phát triển là điều kiện thuận lợi cho công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên tham gia phong trào tại địa phương.
Theo anh Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Xã đoàn Cát Khánh, đểnguồn vốn vay được giải ngân đúng đối tượng, kịp thời và phát huy hiệu quả, Đoàn xã đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp, nhất là phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nguồn vốn vay ủy thác. Đồng thời, thành lập CLB thanh niên phát triển kinh tế, thường xuyên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm hay về làm ăn trong hội viên.
“Chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng mô hình vay vốn hiệu quả trong ĐVTN, từng bước giúp ĐVTN phát huy vai trò xung kích, mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Phối hợp mở các lớp chuyển giao tiến bộ KHKT về cây trồng, vật nuôi, phương pháp xây dựng mô hình kinh tế”, anh Tâm cho hay.
TRƯỜNG GIANG