Sớm phát huy giá trị phế tích Châu Thành
Từ năm 2020 đến 2022, sau 3 lần khai quật khảo cổ tại phế tích Châu Thành, ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều kiến trúc, hiện vật rất độc đáo. Do vậy, các nhà khoa học đề xuất tỉnh Bình Định cần sớm có những động thái bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của phế tích này.
Một phế tích có tầng văn hóa dày
Trong 2 năm 2020 và 2021, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành 2 đợt khai quật khảo cổ tại phế tích Châu Thành, kết quả đã phát hiện kiến trúc đền thờ đá thiêng theo tín ngưỡng bản địa và nhiều lớp kiến trúc chồng lên nhau mang tính chất phục vụ tôn giáo trong một quần thể kiến trúc Champa.
Từ tháng 7 đến tháng 8.2022, các nhà khoa học tiếp tục khai quật phế tích tháp Châu Thành lần thứ 3, kết quả đã làm xuất lộ ba kiến trúc của hai giai đoạn khác nhau, gồm hai kiến trúc tường bao có mặt bằng hình chữ nhật chạy theo chiều Đông - Tây có niên đại khoảng thế kỷ IV - VI và một số đoạn nền móng đá ong nằm rời rạc trong hố khai quật, có niên đại khoảng thế kỷ XIII.
TS Phạm Văn Triệu, Phó trưởng Phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) - chủ trì đợt khai quật thứ 3, cho biết: Qua 3 lần khai quật phế tích Châu Thành có thể khẳng định các thời kỳ đều tuân thủ trục thần đạo, lấy núi Mò O là núi chủ, hướng chính Đông làm hướng thiêng và đều kế thừa vị trí kiến trúc trung tâm của gò để xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Việc xuất lộ các tường bao trong đợt khai quật lần này cho phép dự đoán về vị trí của đền thờ hoặc tháp, cũng như quy mô của một công trình tôn giáo, nhưng để biết rõ hơn đó là công trình gì, cần phải tổ chức khai quật kiến trúc chính nằm ở trung tâm.
Các nhà khảo cổ, chuyên gia cho rằng tỉnh Bình Định cần sớm có những động thái bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của phế tích Châu Thành. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cuộc khai quật lần này cũng phát hiện hàng nghìn hiện vật có giá trị, ý nghĩa cao. Theo TS Phạm Văn Triệu, các hiện vật phát hiện tại phế tích Châu Thành có sự tương đồng với hiện vật phát hiện tại thành Trà Kiệu (tỉnh Quảng Nam), Cổ Lũy (tỉnh Quảng Ngãi), thành Hồ (tỉnh Phú Yên), cho thấy ở giai đoạn thế kỷ IV - VI, người Champa đã có sự thống nhất về lãnh thổ, tạo thành một quốc gia chung. Tại Vijaya, việc phát hiện các địa điểm thuộc văn hóa Champa có niên đại sớm, như thành Cha, phế tích Châu Thành, phế tích Chà Rây, tháp Bình Lâm cho thấy đây là thời kỳ chính trị ổn định, kinh tế phát triển và ảnh hưởng của Ấn Độ giáo trong đời sống tinh thần của người Champa rất rõ. Bên cạnh đó, văn hóa Trung Quốc đời Hán cũng để lại một số dấu hiệu, tiêu biểu là sự có mặt của hiện vật ngói âm dương, nhất là những mảnh ngói có hoa văn in ô vuông kiểu Hán được phát hiện tại phế tích Châu Thành.
+ Các nhà khảo cổ, chuyên gia cho rằng tỉnh Bình Định cần sớm có những động thái bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của phế tích Châu Thành. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Sớm phát huy giá trị
Quá trình khai quật và kết quả nghiên cứu phế tích Châu Thành, các nhà khảo cổ học phát hiện tầng văn hóa dày với nhiều lớp kiến trúc chồng lấn lên nhau, phát triển liên tục từ sớm đến muộn trải dài từ khoảng thế kỷ IV - VI đến thế kỷ XIII bởi người Champa và sau này của người Việt vào thế kỷ XVII - XVIII.
TS Lê Đình Phụng, Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam - người tham gia cả 3 cuộc khai quật phế tích Châu Thành, bày tỏ: “Những kết quả khai quật khảo cổ học tại phế tích Châu Thành và trước đó là khai quật thành Cha, cộng thêm nhiều tư liệu lịch sử, giúp khẳng định vùng đất Bình Định xưa kia từng là kinh đô của Lâm Ấp xa xưa. Vì vậy, tỉnh Bình Định nên sớm tổ chức bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của phế tích này. Trong tương lai không xa, có thể phát huy nơi đây thành điểm đến du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử Champa trong tiến trình hội nhập chung vào dòng chảy văn hóa Việt”.
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cùng với việc cập nhật dữ liệu phế tích Châu Thành lên bản đồ khảo cổ trên website của đơn vị phục vụ giới nghiên cứu trong nước và quốc tế, Bảo tàng tỉnh cũng tham mưu Sở VH&TT báo cáo UBND tỉnh cho triển khai ngay các phương án bảo tồn cấp thiết và lâu dài các di tích đã xuất lộ, các hiện vật thu thập được qua các đợt khai quật; đặc biệt, phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam báo cáo chính thức kết quả khai quật phế tích Châu Thành lần 3 để trình cấp thẩm quyền xin phép cho tiếp tục khai quật để nghiên cứu tổng thể.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Từ những kết quả khai quật khảo cổ phế tích Châu Thành, chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học và các ngành chuyên môn, nhà khảo cổ, chuyên gia để xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, làm cơ sở pháp lý khoanh vùng bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, khảo cổ, bảo vệ và phát huy giá trị cụm di tích này”.
ĐOAN NGỌC