Hoài Nhơn mở hướng “1 trục, 2 cánh, 4 trung tâm”
Đến năm 2025, TX Hoài Nhơn phấn đấu đạt ít nhất 70% tiêu chí đô thị loại 3; đến năm 2035, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, là đô thị hạt nhân phát triển theo hướng đô thị, bền vững. Theo Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương, thực hiện hướng phát triển “1 trục, 2 cánh, 4 trung tâm” là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu ấy.
Đồng chí PHẠM TRƯƠNG
* Một trong những khâu đột phá lớn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 được Đảng bộ TX Hoài Nhơn xác định là tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng Hoài Nhơn theo hướng đạt chuẩn đô thị loại 3. Nhiệm vụ này là cực kỳ quan trọng, nhằm xây dựng Hoài Nhơn theo hướng “1 trục, 2 cánh, 4 trung tâm”. Xin đồng chí cho biết tình hình thực hiện và kết quả đến nay của hướng phát triển này?
- Từ đầu nhiệm kỳ, thị xã đã tập trung tổ chức triển khai và hoàn thành lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực đô thị 4 trung tâm gồm Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Hương, Hoài Thanh Tây. Đồng thời, triển khai lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các khu vực đô thị còn lại gồm Hoài Tân, Hoài Xuân, Hoài Thanh, Hoài Hảo và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các dự án mời gọi đầu tư, chỉnh trang đô thị (đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 15 dự án với diện tích trên 245 ha; đang triển khai 11 dự án với diện tích trên 625 ha).
Trên địa bàn hiện có 12 cụm công nghiệp; đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 11 cụm với diện tích 282 ha. Đặc biệt, thị xã đang tập trung quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dọc sông Cạn các phân khu chức năng gắn với chỉnh trang đô thị với chiều dài trên 12 km, diện tích quy hoạch trên 240 ha.
Trên cơ sở quy hoạch phân khu chức năng và quy hoạch chi tiết được duyệt, thị xã đã tập trung đầu tư hạ tầng từng bước đồng bộ và kêu gọi đầu tư các dự án đã được duyệt. Kết quả nổi bật là kêu gọi đầu tư và được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương của 9 dự án đầu tư với diện tích 158 ha, tổng vốn đăng ký trên 9.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thị xã tập trung đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng 12 công trình giao thông trọng điểm có tổng chiều dài khoảng 60 km, tổng mức đầu tư hơn 2.841 tỷ đồng. Phối hợp tỉnh đầu tư, xây dựng, nâng cấp tuyến đường ven biển ĐT 639, đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh (tổng chiều dài gần 9,6 km, bề rộng nền đường 12 m; tổng mức đầu tư gần 534 tỷ đồng); tuyến đường kết nối với đường ven biển ĐT 639 (tổng chiều dài gần 6,5 km, bề rộng nền đường 22 m; tổng mức đầu tư gần 704 tỷ đồng).
Hiện nay, trên địa bàn thị xã đã có 10 công trình giao thông trọng điểm được đưa vào sử dụng, có tác động to lớn đến quá trình phát triển KT-XH của thị xã.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 15.12.2020 của HĐND thị xã về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, vỉa hè, thảm bê tông nhựa, điện chiếu sáng, trồng cây xanh, xây dựng công viên, hoa viên trên địa bàn xã, phường giai đoạn 2021 - 2025, năm 2021, thị xã đã đầu tư gần 136 km đường giao thông có chiều rộng làn xe chạy ≥7,5 m; đầu tư hệ thống chiếu sáng cho gần 129 km đường phố chính; đầu tư hơn 63 km đường cống thoát nước chính…
Đô thị Hoài Nhơn nhìn từ dòng Lại Giang. Ảnh: DŨNG NHÂN
* Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, TX Hoài Nhơn sẽ tập trung vào những giải pháp nào để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng của hướng phát triển “1 trục, 2 cánh, 4 trung tâm”, thưa đồng chí?
- Thời gian đến, thị xã tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện hiệu quả Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Hoài Nhơn đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt; cập nhật, điều chỉnh, bổ sung kịp thời phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh, của thị xã.
Đồng thời, hoàn thành đồ án quy hoạch phân khu 4 đô thị trung tâm (Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương) và các khu chức năng tại các phường, khu trung tâm xã; lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các khu đô thị, khu dân cư cao cấp, khu thương mại - dịch vụ, khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Lập các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng đô thị, trong đó ưu tiên quy hoạch thoát nước, quy hoạch mạng lưới giao thông...
Cùng với đó là cải tạo, chỉnh trang đô thị trung tâm, đầu tư mở rộng các tuyến phố, đảm bảo hạ tầng đồng bộ vỉa hè, thảm bê tông nhựa, thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng; xây dựng các công viên, hoa viên trong khu dân cư.
Đáng chú ý là xây dựng hạ tầng giao thông kết nối “1 trục, 2 cánh, 4 trung tâm” theo quy hoạch. Đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường chính nhằm nâng cao năng lực vận tải, lưu thông hàng hóa và tạo sự liên kết giữa các khu vực và các phường, xã. Phát triển hạ tầng giao thông, nhất là phát huy tối đa hiệu quả các công trình giao thông trọng điểm đã và đang triển khai trên địa bàn.
Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống truyền tải, cung cấp điện đảm bảo nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, nhất là các cụm công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ. Từng bước đầu tư hệ thống điện ngầm các khu đô thị dân cư tập trung, khu đô thị mới mang tính bền vững. Phát triển mạng lưới hoa viên, công viên vườn dạo, khu ở, nhất là các khu đô thị mới.
Đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến, hiện đại. Kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nghĩa trang nhân dân thị xã đồng bộ theo tiêu chuẩn đô thị có nhà tang lễ, nhà hỏa táng, từng bước đóng cửa và di dời các nghĩa trang không đảm bảo quy định ra khỏi khu dân cư.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, khu thương mại, dịch vụ - du lịch, làng nghề. Từng bước hoàn thiện hạ tầng các điểm du lịch theo nhu cầu phát triển, kết nối giữa các điểm du lịch lịch sử với danh lam thắng cảnh và thế mạnh của biển, có tính liên kết đối với các vùng, miền lân cận như An Lão, Hoài Ân, Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhằm đầu tư, tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử văn hóa. Ứng dụng KH&CN vào phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị, quản lý đô thị, từng bước xây dựng đô thị thông minh.
Trong quá trình phát triển kết cấu hạ tầng, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện kiểm tra, giám sát và quản lý các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị hiệu quả. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Quy hoạch “1 trục - 2 cánh - 4 trung tâm” của TX Hoài Nhơn:
*Trục động lực chủ đạo là trục Bắc- Nam bao gồm: QL 1A cũ (là trục chính đô thị Hoài Nhơn) + tuyến đường sắt quốc gia + các tuyến đường tránh.
*Hai cánh phát triển gồm:
+ Cánh phía Tây: Khu vực đồi núi, phát triển lâm nghiệp, dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vùng hồ + gò đồi…
+ Cánh phía Đông: Khu vực nông nghiệp và vùng ven biển, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp, cảng và dịch vụ du lịch biển…
*Bốn trung tâm gồm:
+ Trung tâm Bồng Sơn (gồm: Phường Bồng Sơn, Hoài Xuân, Hoài Tân, Hoài Đức) là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, dịch vụ, thương mại… của đô thị Hoài Nhơn. Đây cũng chính là trung tâm hành chính - chính trị của TX Hoài Nhơn trong tương lai.
+ Trung tâm Tam Quan (gồm: Phường Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo) là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển, neo đậu tàu thuyền, dịch vụ du lịch…
+ Trung tâm mới ở khu vực phường Hoài Thanh Tây là trung tâm văn hóa lịch sử kết hợp khu ở mới.
+ Trung tâm mới ở khu vực phường Hoài Hương là trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại và khu ở mới.
HOÀI NHÂN