Ngày Âm nhạc Việt Nam: Nhạc cụ dân tộc và phương Tây cùng hòa tấu
Chương trình có nhiều tiết mục đặc sắc ở nhiều thể loại như nhạc dân tộc, nhạc nhẹ và nhạc cụ phương Tây (piano, cello, violin), với sự tham gia của các gương mặt nghệ sỹ nổi tiếng.
Nghệ sỹ Diệu Thảo biểu diễn cùng dàn nhạc dân tộc. (Ảnh: Hòa Nguyễn/Vietnam+)
Ngày 31.8, tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội), Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam 2022 và chương trình nghệ thuật "Hát lên Việt Nam".
Chương trình chia làm 3 phần: Phần 1 tôn vinh âm nhạc dân tộc Việt Nam, thể hiện tính kế thừa truyền thống cha ông để làm nền tảng cho nền âm nhạc Việt Nam sau này, phần 2 là nhạc thính phòng cổ điển và phần cuối là các tác phẩm của nghệ sỹ trẻ…
Chương trình có nhiều tiết mục đặc sắc như: Hòa tấu dàn nhạc dân tộc tác phẩm "Trống hội ngày Xuân"; độc tấu đàn tỳ bà và dàn nhạc tác phẩm "Suy tư"; độc tấu sáo trúc và dàn nhạc tác phẩm "Kể chuyện dòng sông", "Mẹ yêu con" của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý; tác phẩm "Thuyền và biển" của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu; "Thì thầm mùa Xuân" của nhạc sỹ Ngọc Châu; "Giai điệu Tổ quốc" của nhạc sỹ Trần Tiến; độc tấu cello "Trăng trên vịnh" (nghệ sỹ Hà Miên)...
Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của các gương mặt nổi tiếng như các nghệ sỹ nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Quốc Hưng, Mai Phương; nghệ sỹ ưu tú Cồ Huy Hùng, Bùi Lệ Chi…
Nhạc sỹ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam. (Ảnh: Hòa Nguyễn/Vietnam+)
Phát biểu tại buổi lễ, nhạc sỹ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam khẳng định âm nhạc luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người.
“Âm nhạc có thể chia sẻ với chúng ta rất nhiều điều, từ những khó khăn trong cuộc sống, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Âm nhạc còn là sợi dây vô hình kết nối tình yêu thương giữa con người với con người, giữa các dân tộc trên thế giới, giúp con người xích lại gần nhau hơn, xóa bỏ rào cản về địa lý, chính trị xã hội, ngăn cách về ngôn ngữ để hội nhập. Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc đều hiểu được”, ông Đức Trịnh nói.
Ý tưởng tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam được bắt nguồn từ sự kiện lịch sử Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân Thủ đô hát bài ca "Kết đoàn" chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại hội Đảng lần thứ III tại Công viên Bách thảo (Hà Nội) vào ngày 3.9.1960.
Ca sỹ Anh Thơ biểu diễn trong chương trình. (Ảnh: Hòa Nguyễn/Vietnam+)
Sự kiện trọng đại ấy còn được ghi lại qua bức ảnh nghệ thuật "Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn" của cố nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Ngày 26.9.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ -TTg lấy ngày 3.9 hàng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam.
"Ngày Âm nhạc Việt Nam động viên chúng ta cùng phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm âm nhạc hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng. Các tầng lớp nhân dân cùng tích cực tham gia và xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Minh Thu (Vietnam+)