Giữ hòa khí, hàn gắn mâu thuẫn
Nhờ lợi thế gần gũi, hiểu tâm lý, những phụ nữ làm công tác tư vấn, hòa giải ở cơ sở luôn có mặt lúc cần thiết, nỗ lực giải quyết mọi chuyện theo hướng “chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì”, giúp gia đình yên ấm, xóm làng yên vui.
Để nhà vui, xóm yên
Nhớ lại khoảng thời gian khi mới đón con đầu lòng, vợ chồng anh Phạm Thanh Tuấn và chị Nguyễn Thị Lãnh (ở thôn Quảng Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) không khỏi trầm ngâm. Ngày đó, hai vợ chồng bận bịu cả ngày: Chồng làm thợ hồ, vợ lao động chân tay, ai thuê gì làm nấy, với hy vọng đứa trẻ sinh ra sẽ có cuộc sống đầy đủ hơn. Thế nhưng, đó cũng là lúc mâu thuẫn nảy sinh bởi áp lực và sự thiếu đồng cảm. Những trận cãi vã, lời qua tiếng lại dần nhiều hơn, đẩy gia đình đến nguy cơ đổ vỡ.
Bà Ly (trái) thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với chị em để nắm bắt tình hình khi mâu thuẫn xảy ra. Ảnh: D.L
Nhận thấy bầu không khí ngày một căng thẳng, bà Đỗ Thị Mỹ Ly (SN 1968, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Quảng Tín), cũng là hàng xóm thân thiết của gia đình anh Tuấn, chị Lãnh, liền hỏi thăm để tìm cách “giảng hòa”. Được vợ chồng tin tưởng, chia sẻ đầu đuôi câu chuyện, bà lựa lời khuyên can, giúp hai người hiểu rõ góc nhìn của đối phương, từ đó cảm thông cho nhau.
“Cô Ly là thế hệ đi trước, giàu kinh nghiệm sống nên chỉ rõ đúng sai cho chúng tôi hiểu một cách tế nhị, nhẹ nhàng mà vẫn hợp lý, hợp tình. Cô còn giúp vợ chồng tôi tìm ra cách dung hòa giữa công việc với chăm lo gia đình, để vợ chồng cùng chia sẻ khó khăn, xây dựng mái ấm. Nhờ đó, chúng tôi đã hòa thuận, ít cãi vã hơn hẳn”, chị Lãnh nói.
Không chỉ giữ hòa khí trong gia đình, chị em còn kịp thời hỏi han, hàn gắn mâu thuẫn trong xóm với nhau. Từng khó chịu vì hàng xóm sát vách là bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (ở khu phố 5, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) thường xuyên sử dụng than tổ ong gây khói bụi, chưa xử lý rác thải từ hải sản phù hợp khiến không khí bị ô nhiễm, bà Phạm Thị Tuyết đã viết đơn gửi chính quyền địa phương nhờ xử lý.
Bà Linh (trái) tích cực động viên chị em mở lòng, chia sẻ khúc mắc để kịp thời “gỡ rối”, hòa giải. Ảnh: D.L
Để sự việc không phức tạp thêm, bà Ngô Thị Linh (SN 1960, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 5) đã gặp mặt, cho hai bên nói lên suy nghĩ của mình. Sau đó, bà chỉ ra sự gần gũi, gắn kết giữa tình làng nghĩa xóm, để hai bên thông cảm cho nhau hơn. Từ đó, tìm ra tiếng nói chung bằng cách thống nhất cách xử lý vấn đề: bà Mai sẽ hạn chế sử dụng than tổ ong trong khu vực gần nhà, đồng thời trang bị các thùng có nắp đậy kín để tránh mùi hôi thối của rác thải ảnh hưởng đến môi trường chung.
Chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không
Với tinh thần “chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không”, cán bộ phụ nữ ở cơ sở luôn lắng nghe, tìm hiểu sự vụ; từ vị trí trung lập đưa ra cách giải quyết phù hợp. Đây cũng là kênh gần nhất, vừa dễ tiếp cận với thực tế vụ việc, vừa giúp người dân giải tỏa bức xúc. Do đó, để làm tốt việc tư vấn, hòa giải, chị em đều “bỏ túi” ít nhiều kinh nghiệm thực tế.
Có hơn 20 năm hoạt động hội cũng như tư vấn, hòa giải hàng chục trường hợp mâu thuẫn tại địa phương, bà Ly hiểu rõ tầm quan trọng của công tác này. Với bà, việc chủ động giúp chị em nhìn nhận vấn đề, giải quyết khúc mắc là điều cốt lõi để hòa giải thành công.
Bà Ly chia sẻ: “Đôi khi, người trong cuộc sẽ khó có cái nhìn đầy đủ, khái quát về vấn đề bởi đang bị cảm xúc chi phối. Do đó, người làm công tác hòa giải như tôi cần làm sao để chị em có cái nhìn đa chiều, khách quan hơn. Có như thế, việc giải quyết mâu thuẫn mới chính xác”.
Việc hòa giải thành công không chỉ cần sự khéo léo, gần gũi mà còn cần đến yếu tố nhanh nhạy trong nắm bắt mức độ tiến triển của sự việc. Nếu kịp thời biết và tư vấn khi mâu thuẫn chỉ mới “nhen nhóm”, nhiều khả năng, mâu thuẫn, tranh chấp sẽ sớm được giải quyết.
Nhờ thường xuyên gần gũi, được chị em tin tưởng, bà Linh dần trở thành “tổng đài tư vấn” của nhiều phụ nữ trong khu phố, việc thu thập thông tin nhờ đó thuận lợi hơn. Bà bật mí: “Cần gần gũi, trò chuyện thường xuyên để chị em tin tưởng, từ đó dễ mở lòng tâm sự khi có mâu thuẫn xảy ra. Như vậy, người hòa giải như tôi sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận câu chuyện từ cả hai phía. Sau đó, cần lựa lời khuyên giải sao cho tế nhị, động viên hai bên thẳng thắn giải quyết, dần hàn gắn tình cảm trở lại”.
DƯƠNG LINH