Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý dân số
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý dân số theo Thông tư 01/2022/TT-BYT của Bộ Y tế, vừa qua, Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm Hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ (phần mềm MIS mới). Bình Định là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước tiếp cận và chuẩn bị triển khai phần mềm này.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Bình Định, cho biết: Để làm tốt công tác dân số, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải quản lý tốt kho dữ liệu về dân cư, các dữ liệu về dân số. Có như thế, ngành Dân số mới đủ cơ sở tham mưu các cấp có thẩm quyền lồng ghép công tác dân số vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Bình Định là một trong những địa phương của cả nước làm tốt việc quản lý dữ liệu dân số và là 1/12 tỉnh đầu tiên được Tổng Cục DS-KHHGĐ tập huấn sử dụng phần mềm MIS mới. Cái khó là khu vực thành thị chưa có đội ngũ cộng tác viên dân số. Tuy nhiên, ngành Dân số sẽ cố gắng để dữ liệu về dân số, dân cư ngày càng hoàn thiện. Theo Kế hoạch nếu làm tốt thì đến năm 2030 dữ liệu này sẽ được chia sẻ chung và khi đó sẽ không phải tổ chức tổng điều tra dân số định kỳ 10 năm/lần nữa.
Bình Định được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt dữ liệu dân số và là một trong những địa phương đầu tiên được tiếp cận phần mềm MIS mới.
- Trong ảnh: Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tập huấn cho các địa phương về cách sử dụng phần mềm MIS mới. Ảnh: Đ. THẢO
Theo Chi cục DS-KHHGĐ, so với phần mềm MIS cũ, phần mềm mới dù chưa hoàn chỉnh, nhưng đã đảm bảo thực hiện được mục tiêu theo dõi biến động dân cư, cập nhật thẻ BHYT của Tổng cục DS-KHHGĐ và Bộ Y tế. Bên cạnh đó, phần đánh dấu theo dõi người từ 15 - 49 tuổi có nhiều nội dung cải tiến hơn; đồng thời có phần cập nhật những đối tượng thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. Điểm hạn chế là phần mềm hiện chưa có modul dành cho cấp xã. Tuy nhiên, theo Tổng cục DS-KHHGĐ, sắp tới, vấn đề này sẽ được giải quyết.
Hiện nay, ngành Dân số chưa bắt buộc cấp xã phải cập nhật quản lý dân số nhưng tại Bình Định nhiều xã đã chủ động làm điều này rất tốt, bởi từ đây nhiều hoạt động khác cũng được hưởng lợi, như: Quản lý sức khỏe toàn dân, hồ sơ khám sức khỏe người cao tuổi, theo dõi và đánh giá từng độ tuổi có nguy cơ bị bệnh để theo dõi và làm cơ sở triển khai các chương trình khác... Vì thế, nhiều xã, phường đã chủ động sử dụng phần mềm để quản lý dân số, dù không bắt buộc và còn thiếu thốn trang thiết bị. Trong đó, 100% xã, phường, thị trấn ở TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn, huyện Tây Sơn đã thực hiện thường xuyên và đạt hiệu quả cao.
Bà Lê Vân, Trưởng Phòng Dân số (TTYT TX Hoài Nhơn), chia sẻ: Vì chưa có phần mềm cấp xã nhưng nhiều xã, phường có nhu cầu sử dụng để quản lý dân cư nên chúng tôi cài đặt và hướng dẫn cho các xã cách dùng phù hợp. Cái hay là từ đó, khi cần số liệu cho các chương trình dân số, các xã, phường tự có kho dữ liệu để triển khai. Đây như là một bước dò số liệu, nếu có những số liệu không khớp với huyện, xã sẽ đối chiếu và báo lên cấp huyện để tầm soát, hiệu chỉnh. Sắp tới, nếu có phần mềm chính thức cho cấp xã và có kênh liên thông với huyện, tỉnh nhiều thứ sẽ thuận tiện và chính xác hơn trước rất nhiều.
Là người trực tiếp hướng dẫn cài đặt phần mềm cho cấp xã, anh Nguyễn Xuân Triều, Phòng Dân số (TTYT huyện Tây Sơn), cho biết: Vì phần mềm chưa được liên thông cấp xã và huyện nên cấp xã yêu cầu thì chúng tôi cài đặt và hướng dẫn sử dụng để họ xử lý tại chỗ. Đây coi như là thao tác thẩm định thông tin, có thêm một tầng lọc, sai sót sẽ ít hơn. Nếu làm tốt hồ sơ quản lý dân số thì sẽ làm tốt rất nhiều hoạt động khác, nếu sau này phát triển hơn thì đồng bộ dữ liệu, hồ sơ trực tuyến, như vậy sẽ rất thuận tiện.
ĐỖ THẢO