Bao la tình mẹ
Không còn chỗ dựa là người chồng, người phụ nữ phải mạnh mẽ, kiên cường hơn để gánh vác trách nhiệm, che chở cho mái ấm nhỏ. Với họ, không gì quan trọng hơn những đứa con thơ - niềm hạnh phúc và cũng là nguồn động lực cho họ cố gắng mỗi ngày.
Oằn vai
Hằng ngày, từ tờ mờ sáng, chị Đỗ Thị Quý Thu (SN 1977, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) đã mang rau sạch từ nhà ra chợ bán. Vừa bỏ mối xong, chị lại tất tả đến sạp rau khác, phụ bán lấy tiền chăm con.
Kể từ ngày chồng mất, chị phải làm lụng nhiều hơn. Mọi việc từ mưu sinh đến sửa chữa đồ đạc trong nhà một tay chị đảm đương. Người phụ nữ ấy vẫn một mình chăm cậu con trai nhỏ; lại nhận nuôi 2 con của người em gái đang lặn lội mưu sinh ở TP Hồ Chí Minh.
Chị Thu ôn lại bài vở cho bầy con thơ. Ảnh: D.L
“Tôi vừa bán ngoài chợ, vừa canh đồng hồ để kịp về cho lũ trẻ ăn sáng, sửa soạn đến trường, rồi lại làm tiếp. Ngày còn chồng, chúng tôi phân công nhau chăm sóc lũ trẻ, nhưng giờ thì tôi phải làm mọi việc. Tôi cũng học cách sửa bóng điện, dạy tụi nhỏ làm bài tập khi trở thành chỗ dựa duy nhất của con…”, chị Thu trải lòng.
Thế nhưng, mạnh mẽ mấy cũng có lúc yếu lòng. Mới tuần trước, chị Thu ngã bệnh, không có chồng ở bên kề cận chăm sóc. Rồi không lâu sau đó, cả 3 đứa trẻ đều lên cơn sốt cao. Người mẹ gượng nén cơn đau, cùng lúc chăm sóc bầy con thơ. Khi ấy, cảm giác nghèn nghẹn nơi cổ họng, cùng nỗi lo lắng khiến chị nhận ra: Vừa làm cha, vừa làm mẹ thật khó biết bao!
Cũng một mình nuôi con từ 3 năm trước, chị Hoàng Thị Hồng (SN 1971, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) đối mặt với nhiều nỗi lo khi đứng trước cơm, áo, gạo, tiền; vừa tự chiến đấu với bệnh tật, vừa chu toàn cho con cái.
Ngày trước, cậu con trai Nguyễn Hoàng Lâm (SN 2013) của chị thường nói chuyện, tâm sự với cả ba lẫn mẹ; giờ đây, mẹ là người gần gũi em nhất. Ngày chồng mất, chị Hồng lo lắng tâm trạng con trai sẽ bất ổn khi chứng kiến Lâm khóc nhiều, nói cười ít hẳn. Chị tìm cách trò chuyện, hỏi thăm, dần nắm bắt được suy nghĩ, tình cảm của con.
Chị tâm sự: “Ngày thường, Lâm rất hoạt bát, không ngại bày tỏ tình yêu thương với cha mẹ và 2 chị. Thế nhưng, cú sốc tâm lý ấy ít nhiều ảnh hưởng đến con. Thậm chí, vì để an ủi mẹ, Lâm cố gắng học tập đến mức bị căng thẳng, áp lực. Khi đó, tôi nghĩ mình sẽ phải yêu thương, thấu hiểu và động viên con thật nhiều, thay cả phần chồng”.
Bữa cơm đạm bạc nhưng chan chứa tình yêu của mẹ con chị Hồng. Ảnh: D.L
Hạnh phúc giản đơn
Vất vả là vậy, nhưng không người mẹ nào than vãn về gánh nặng oằn vai. Bởi, được nhìn con ăn no, ngủ ngon, vui khỏe mỗi ngày đã là niềm hạnh phúc lớn lao. Dường như hiểu phần nào sự hy sinh của mẹ, các con luôn tìm cách gửi yêu thương vào những hành động nhỏ.
Nhìn 3 đứa trẻ quấn quýt bên chị Thu là đủ biết lũ trẻ yêu chị nhường nào. Không chỉ con trai mà 2 cháu ruột cũng đều gọi chị là “mẹ” đầy tình cảm. Tuy không phải anh chị em ruột, song lũ trẻ yêu thương nhau, luôn chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau những khi mẹ bận việc hoặc nghỉ ngơi.
Nghe tiếng lũ trẻ ê a học bài, thi thoảng lại cười giòn giã hồn nhiên, chị Thu cười, chia sẻ: “Có những ngày tôi mệt lả người, tối nằm ngủ quên lúc nào không hay, cả 3 đứa trẻ cùng mắc màn, xếp gối ngay ngắn cho mẹ ngủ. Hôm sau thức giấc, nhìn chúng nằm say giấc cạnh bên, tôi thấy mình hạnh phúc, mọi mệt mỏi đều tan biến hết”.
Cũng có khi, cách thể hiện tình yêu của trẻ vô cùng giản dị. Mong có thể đỡ đần bớt việc nhà cho mẹ Hồng, Lâm luôn chú ý mỗi khi mẹ vào bếp, xem cách mẹ nêm nếm, nấu nướng để nấu cho mẹ ăn những khi mẹ mệt vì bệnh tật hay trở trời. Đứa trẻ hiểu chuyện còn lo rằng mẹ ăn ít hơn để nhường phần ngon cho mình, nên luôn chủ động xới cơm, gắp đồ ăn cho mẹ. Lâm còn dọn dẹp nhà cửa, chọn ở nhà thay vì rong chơi cùng bè bạn bởi sợ mẹ buồn khi chỉ có một mình trong nhà.
“Mẹ của con đã lớn tuổi rồi, sức khỏe cũng không tốt. Không có ba ở cạnh, mẹ một mình chăm lo cho chị em chúng con rất vất vả. Thế nên con muốn ở cạnh mẹ nhiều hơn, cùng mẹ trò chuyện. Con biết, niềm hạnh phúc duy nhất bây giờ của mẹ là chị em chúng con”, Lâm chậm rãi nói.
DƯƠNG LINH