Dựa vào dân để xây dựng, bảo vệ Ðảng
Một trong những bài học kinh nghiệm qua hơn 35 năm đổi mới là “Ðổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân”. Ðây là vấn đề thuộc về nguyên tắc, để từ đó Ðảng ta không ngừng giữ vững, tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân.
Quần chúng nhân dân có vai trò to lớn, công tác dân vận có ý nghĩa quan trọng, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận”. Đồng thời, “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”.
Bác Hồ với công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) năm 1955. Ảnh tư liệu
Do đó, để góp phần bảo vệ Đảng phải luôn thực hiện tốt công tác vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Cụ thể, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Thứ nhất, về nhận thức, cần quán triệt cho cán bộ, đảng viên thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận và tại sao phải làm công tác dân vận. Đây là công tác đối với nhân dân, vận động nhân dân, thông qua nhân dân để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị trở thành hiện thực. Bác Hồ đã từng chỉ rõ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Có nhân dân giúp sức, ủng hộ và tin tưởng sẽ tạo nên sức mạnh của Đảng ta.
Thứ hai, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị. Dân biết là khâu đầu tiên thể hiện quyền làm chủ của người dân, biết mới có thể bàn một cách thấu đáo và tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn; kiểm tra là thể hiện quyền làm chủ cao nhất của người dân.
Thứ ba, cán bộ, đảng viên tham gia công tác dân vận với tinh thần “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đây chính là tác phong, phong cách của cán bộ dân vận. Cán bộ dân vận phải sát thực tế, sát nhân dân, lắng nghe và tôn trọng các ý kiến của người dân. Do đó, đào tạo, xây dựng, kiện toàn đội ngũ những người làm công tác dân vận có năng lực, uy tín là vô cùng cần thiết trong thời kỳ hiện nay.
Thứ tư, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3.6.2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Theo đó, cần bám sát 4 mục tiêu, 5 quan điểm đã được nêu trong Nghị quyết; nắm chắc những thuận lợi và khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết ở địa phương, đơn vị.
Công tác dân vận là nội dung cũng là phương thức lãnh đạo của Đảng. Bản chất của công tác dân vận là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Nhân dân là nguồn gốc của sức mạnh, là chỗ dựa vững chắc của Đảng. Trong công tác xây dựng Đảng, cần luôn quan tâm tới việc thực hiện tốt công tác dân vận. Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”.
Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là vấn đề hết sức quan trọng, bởi ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng, của chế độ và của dân tộc ta. Mặt khác, đó còn là nguồn cội sức mạnh, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta. Có dựa vào dân, gần dân, sát dân, hiểu dân, đặt mình trong sự giám sát của nhân dân mới góp phần ngăn ngừa suy thoái tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
NGUYỄN TÙNG LÂM