Xây dựng thương hiệu góp phần phát triển kinh tế
Để ổn định đầu ra, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, thời gian qua, các địa phương và doanh nghiệp rất quan tâm đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhất là các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương.
Huyện Hoài Ân là một trong những địa phương rất quan tâm đến xây dựng, phát triển thương hiệu cho những sản phẩm chủ lực, có thế mạnh. Đến nay, trên địa bàn huyện có 5 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận gồm: Bưởi Hoài Ân, Trà Gò Loi, Dừa xiêm Hoài Ân, Gà ta thả vườn, Heo Hoài Ân. Đồng thời huyện đã hoàn tất hồ sơ 2 nhãn hiệu Mít thái Hoài Ân và Tiêu hột Hoài Ân đang chờ cấp chứng nhận, và tiếp tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Gạo hữu cơ Hoài Ân.
Việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh chủ lực của địa phương gắn với đăng ký nhãn hiệu đã góp phần lớn trong việc nâng tầm giá trị sản phẩm, giúp đầu ra được thuận lợi hơn góp phần phát triển kinh tế cho người nông dân.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp quan tâm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngay từ những ngày đầu thành lập cũng ngày càng nhiều hơn tập trung ở các lĩnh vực như Trà, bánh tráng, kẹo, nước mắm, thuốc, thiết bị y tế.
Theo Sở KH&CN đến nay, toàn tỉnh có 42 sản phẩm đặc trưng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận gắn với địa danh của địa phương ( trong đó có 19 nhãn hiệu chứng nhận, 23 nhãn hiệu tập thể) và 977 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thông thường được cấp.
Có thể thấy công tác đăng ký, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chính là tiền đề để các cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh yên tâm phát triển sản xuất, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng đồng thời giúp hoạt động quảng bá thương hiệu được vươn xa ở thị trường trong và ngoài nước.
PHAN TUẤN (Thực hiện)