Chú trọng phát triển du lịch văn hóa lịch sử
Có nhiều lợi thế để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, nhưng so với các loại hình du lịch khác, tỉnh Bình Ðịnh vẫn chưa thực sự thu hút du khách ở mảng này. Ngành du lịch đang đưa ra các giải pháp để thu hút khách đến với du lịch văn hóa, lịch sử, nhất là trong mùa thấp điểm.
Tỉnh Bình Định là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa, với 231 di tích lịch sử - văn hóa (hơn 140 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh). Trong đó, sản phẩm văn hóa, lịch sử, cách mạng có những nét đặc sắc như: Di tích Chămpa (tháp Đôi, tháp Bánh Ít, tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên), các di tích liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, di sản bài chòi (đã được UNESCO công nhận), hát bội, võ cổ truyền Bình Định, trống trận Tây Sơn, lễ hội cầu ngư, bả trạo, các làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian, các món ăn độc đáo…
Các điểm du lịch văn hóa lịch sử ở Bình Định có nhiều nét đặc sắc nhưng vẫn chưa thu hút đông đảo du khách.
- Trong ảnh: Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn). Ảnh: LÊ NA
Đây là những tài nguyên du lịch giá trị cao, mang tính đặc trưng văn hóa đặc sắc của Bình Định, là nguồn lực quan trọng tạo thế mạnh và sự khác biệt cho sản phẩm du lịch. Qua đó, tạo nên sự đa dạng cho sản phẩm du lịch của tỉnh, tăng tính cạnh tranh cao với các địa phương trong khu vực. Tuy nhiên, du lịch của tỉnh thời gian qua chủ yếu tập trung vào loại hình du lịch biển đảo, phần nhiều là nghỉ dưỡng cao cấp; những sản phẩm du lịch liên quan văn hóa, lịch sử chưa nhiều.
Trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Tây Sơn đầu tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã lưu ý ngành văn hóa huyện Tây Sơn cần khôi phục và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống. Đồng thời, có phương pháp quảng bá sáng tạo, làm bật lên những giá trị đặc sắc của các di tích, địa chỉ văn hóa để thu hút du khách.
Phát triển du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa là hướng đi có tính chiến lược của rất nhiều địa phương trong những năm gần đây. Thời gian qua, tỉnh Bình Định cũng đã rất quan tâm đến bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, để phát triển tương xứng với tiềm năng, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh, trong thời gian tới, ngành du lịch cần đẩy mạnh và tập trung hơn nữa phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng kết hợp du lịch biển đảo, sinh thái. Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị, hội thảo để đưa ra giải pháp phát huy, phát triển giá trị văn hóa, lịch sử thông qua hoạt động du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch Trần Văn Thanh cho biết: “Để phát triển du lịch văn hóa cần chú ý đến việc nâng cao nhận thức của các cơ quan, DN khai thác, đầu tư; nhận thức của cộng đồng dân cư và du khách nhằm bảo tồn và phát huy di tích, gìn giữ môi trường không gian di tích, không gian du lịch theo hướng bảo vệ và phát triển một cách bền vững. Thời gian tới, ngành du lịch sẽ làm việc với các DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch để đẩy mạnh việc thiết kế các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, tạo sản phẩm đặc trưng cho du lịch Bình Định”.
LÊ NA