Hoài Nhơn gìn giữ nghệ thuật bài chòi dân gian
Nếu phần nhiều địa phương trong tỉnh, nghệ thuật bài chòi dân gian chỉ nổi lên một số nghệ nhân hay một vài địa phương, thì ở TX Hoài Nhơn bài chòi dân gian được gìn giữ, lan tỏa tất cả phường, xã; phong phú, đa dạng với nhiều lứa tuổi, nhóm đối tượng tham gia.
TX Hoài Nhơn sớm đi đầu trong công tác phục dựng hội đánh bài chòi dân gian, cho đến khi loại hình nghệ thuật này được UNESCO vinh danh thì Hoài Nhơn là địa phương đầu tiên trong tỉnh có CLB dân ca, bài chòi dân gian trực thuộc Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn và toàn bộ 17 xã, phường đều có CLB bài chòi. Chính nhờ những CLB này mà các ngày lễ, tết, Hoài Nhơn dễ dàng tổ chức biểu diễn, hoặc tham gia các hội thi, giao lưu với các CLB bài chòi trong và ngoài tỉnh; đồng thời quảng bá, lan tỏa giá trị di sản bài chòi sinh động vào đời sống nhân dân.
Hoài Nhơn là địa phương đầu tiên trong tỉnh có 17 xã, phường đều thành lập CLB bài chòi. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn, tương truyền Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định do cụ Đào Duy Từ (1572 -1634) - nhà quân sự, nhà thơ, nhà văn hóa, danh thần thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên - sáng tạo khi ông vào Đàng Trong và dừng chân tại vùng đất Hoài Nhơn. Do đó, như một lẽ tự nhiên, TX Hoài Nhơn rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian. Hằng năm, thị xã tổ chức Liên hoan CLB bài chòi dân gian để các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức các hội diễn dân ca, bài chòi phục vụ nhân dân…
Nghệ thuật bài chòi dân gian ở Hoài Nhơn lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, nhiều người dân mộ điệu đã trở thành nghệ nhân bài chòi, chung tay phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này. Chị Nguyễn Thị Lý, ở phường Tam Quan, chia sẻ: “Bài chòi ngấm vào tôi từ khi còn nhỏ qua những lời hô bài chòi của mẹ. Tôi yêu thích, tập tành hô bài chòi rồi dần góp mặt vào các phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Đến khi tôi lấy chồng cũng là nghệ nhân bài chòi, hai vợ chồng cùng tham gia biểu diễn, truyền dạy bài chòi cho thế hệ trẻ ở địa phương”.
TX Hoài Nhơn cũng sớm đưa bài chòi vào trường học để truyền dạy cho học sinh. Đến nay, có 3 CLB bài chòi được thành lập tại các trường THCS: Tam Quan, Tam Quan Nam, Hoài Châu, góp phần khơi dậy niềm đam mê bài chòi, gầy dựng hạt nhân trẻ kế thừa bảo tồn nghệ thuật bài chòi dân gian.
Em Phan Đoàn Thế Quân, ở phường Hoài Thanh Tây, thổ lộ: Em đến với nghệ thuật bài chòi dân gian cũng rất tình cờ. Khi còn học tại Trường THCS Hoài Thanh Tây, em được các cô chú ở phường mời đến tập huấn bài chòi. Sự truyền dạy dễ hiểu thông qua các động tác biểu diễn do các nghệ nhân minh họa tại lớp tập huấn đã lôi cuốn em tập hô bài chòi, rồi tham gia CLB bài chòi của phường, của thị xã biểu diễn các ngày lễ, tết để thỏa niềm yêu thích bài chòi, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.
Cùng với việc truyền dạy lớp trẻ kế cận, thị xã cũng rất quan tâm, khuyến khích đội ngũ nghệ nhân trong sưu tầm, sáng tác bổ sung thêm nhiều câu thai mới để làm phong phú hội đánh bài chòi dân gian. Nghệ nhân ưu tú Lý Thành Long, ở phường Tam Quan, tâm tình: “Thị xã tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nghệ nhân sưu tầm, sáng tác thêm nhiều câu thai mới nói về sự phát triển trên quê hương Hoài Nhơn, Bình Định; phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới… để nghệ thuật bài chòi mang hơi thở cuộc sống, gần gũi hơn với công chúng, nhưng vẫn giữ bản sắc đặc trưng riêng của bài chòi dân gian Bình Định”.
Song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian, TX Hoài Nhơn cũng định hướng trong phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn Hồ Khắc Cầu cho biết: Cùng với việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để các CLB bài chòi xã, phường hoạt động phục vụ nhân dân; chúng tôi đang tham mưu UBND thị xã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn TX Hoài Nhơn; trong đó, ngoài đầu tư tôn tạo, xây dựng các di tích văn hóa, lịch sử, chúng tôi sẽ phục dựng lại các làn điệu dân ca, bài chòi cổ, hát sắc bùa, hát ru, bả trạo… nhằm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, hướng tới phát triển du lịch văn hóa, lịch sử.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN