Học sinh hãy tố cáo khi bị bắt nạt, bạo lực
Các đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội trong những ngày qua về vụ việc em T.L.T.M. (học sinh lớp 9, Trường THCS thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) bị một nhóm học sinh lớp 7, 8 cùng trường đánh đập thô bạo làm dư luận hết sức bức xúc. Theo tìm hiểu ban đầu, do mâu thuẫn cá nhân, học sinh lớp 9 này đã bị những học sinh lớp nhỏ hơn kia bắt nạt trong một thời gian trước đó.
“Không thể chấp nhận được” là câu cửa miệng thốt ra từ các phụ huynh khi xem các clip về vụ học sinh đánh bạn ở huyện Phù Mỹ. Hành vi đến tận nhà đánh bạn thể hiện thói côn đồ, manh động. Việc quay clip rồi tung lên mạng để hạ nhục nạn nhân khiến mọi người càng phẫn nộ.
Nhóm học sinh đánh đập bạn rất thô bạo. Ảnh cắt từ clip
Theo một số giáo viên công tác lâu năm trong ngành Giáo dục, học sinh lớp 7 - 9 rất “khó bảo, khó nghe lại dễ bị kích động”. Các em không biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, lại thiếu kỹ năng trong giải quyết xung đột với bạn bè. Một số em thích thể hiện bản thân bằng cách bắt nạt bạn bè, muốn người khác làm theo ý mình.
Nhân chuyện học sinh đánh nhau ở huyện Phù Mỹ, xâu chuỗi một số vụ học sinh đánh nhau ở các tỉnh, thành gần đây, dư luận không khỏi lo ngại về tình trạng các nữ sinh đánh nhau, quay clip tung lên mạng xã hội đang có xu hướng tăng.
Theo các chuyên gia tâm lý, một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng hành vi hung tính ở các em nữ là chịu những áp lực đặt ra từ bố mẹ; hoặc các em thường bị tấn công bởi những lời nói và hành vi bạo lực từ người lớn trong gia đình, chứng kiến những hành vi bạo lực của các thành viên trong gia đình.
Liên quan đến vụ bạo lực trong học sinh ở huyện Phù Mỹ, bà Hà Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh (Sở LĐ- TB&XH) tỏ ra trăn trở khi biết học sinh lớp 9 Trường THCS Phù Mỹ đã bị đánh trước đó mà “không nói với ai”. Bà Hiếu khuyến khích các em học sinh hãy mạnh dạn lên tiếng, chia sẻ, tố cáo những hành vi xâm hại, bạo lực bản thân mình, bởi chỉ như vậy mọi việc mới có thể được giải quyết, ngăn chặn từ đầu, tránh tình trạng “giọt nước tràn ly” đáng tiếc sau này.
Dư luận đang đòi hỏi một hình thức giáo dục, răn đe đúng mức, tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ”. Nếu không sẽ tạo ra tiền lệ xấu, nhất là với lứa tuổi ẩm ương này. Bởi suy cho cùng, dù với lý do gì, việc đánh đập bạn một cách dã man và hết sức manh động ở học sinh là điều không thể chấp nhận được.
Để không còn xảy ra tình trạng mâu thuẫn nội bộ trong cá nhân học sinh bị đẩy đến cao trào như vụ việc ở Phù Mỹ mà nhà trường không nắm, không biết, không ngăn chặn kịp thời, thời gian tới, ngành Giáo dục cần thực hiện hiệu quả Thông tư 31/2017/TT-BGDDT về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Theo đó, các trường THCS hãy thành lập, phát huy hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh. Thành viên của tổ này gồm lãnh đạo nhà trường, cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế, cán bộ Đoàn, Đội, cha mẹ học sinh, học sinh là cán bộ lớp.
NGỌC NGA - HOÀNG KIỀU