Phân cấp quản lý, bảo vệ di tích: Nâng cao hiệu quả khai thác giá trị di tích
Ðể nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng, ngành văn hóa đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Phân cấp để quản lý tốt hơn
Bình Định hiện có 142 di tích được xếp hạng, gồm: 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 34 di tích cấp quốc gia và 106 di tích cấp tỉnh.
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, tại những di tích quan trọng do đơn vị quản lý, như: Hệ thống các di tích tháp Chăm, Tượng đài Chiến thắng Núi Bà, đền thờ Nguyễn Trung Trực… đều có người bảo vệ, theo dõi. Tuy nhiên, do hệ thống di tích ở tỉnh nằm trải rộng nhiều địa bàn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhân lực của Bảo tàng tỉnh còn thiếu nên công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Do đó, việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quy chế) là rất cần thiết, nhằm tạo sự đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ di tích.
TX An Nhơn có nhiều di tích được xếp hạng quốc gia. Ảnh: NGỌC NHUẬN
TX An Nhơn có 19 di tích được xếp hạng; trong đó, nhiều di tích cấp quốc gia trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng, như: Thành Hoàng đế (thành Đồ Bàn), tháp Cánh Tiên, chùa Nhạn Sơn, chùa Thập Tháp… Tuy nhiên, một số di tích có diện tích trải rộng nằm xen lẫn trong khu dân cư nên địa phương cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý.
Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: Ý thức được sự quan trọng của di tích, Thị xã giao các địa phương có di tích tham gia quản lý, cắm mốc phạm vi di tích… nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại di tích, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị các di tích. Song, nếu có Quy chế thì sẽ làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, khi đó chúng tôi sẽ có cơ sở xây dựng giải pháp chuyên sâu để quản lý di tích tốt hơn.
Huyện Hoài Ân có 15 di tích được xếp hạng; trong đó, trừ đền thờ Tăng Bạt Hổ được xếp hạng di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Ông Võ Văn Tín, Trưởng Phòng VH-TT huyện Hoài Ân, cho hay: Ở góc độ quản lý nhà nước về di tích tại địa phương, UBND huyện đã hợp đồng người bảo vệ, mở cửa đón khách tại mỗi di tích; phân bổ kinh phí để sửa chữa nhỏ, tôn tạo các di tích. Dù vậy, chúng tôi cũng mong sớm có Quy chế để có cơ sở phân cấp trách nhiệm quản lý di tích rõ ràng, từ đó nâng tầm, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.
Huyện Hoài Ân rất quan tâm quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị 16 di tích được xếp hạng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Còn theo ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn, để phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch, TX Hoài Nhơn đã đi trước một bước bằng việc ban hành Quy chế tạm thời quản lý, bảo vệ di tích. Sau khi Quy chế của tỉnh ban hành, thị xã triển khai bước tiếp theo là xây dựng Đề án và trình cấp thẩm quyền thành lập Ban quản lý Di tích TX Hoài Nhơn để quản lý di tích được tốt hơn.
Giao quyền cho địa phương
Sở VH&TT đã soạn dự thảo Quy chế với phạm vi điều chỉnh hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích được xếp hạng; các di tích nằm trong danh mục kiểm kê; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nằm trong danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh; việc tổ chức lễ hội tại các di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh và gửi các sở, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố để lấy ý kiến góp ý. Sau đó, sẽ gửi dự thảo Quy chế cho Sở Tư pháp thẩm định và trình UBND tỉnh ban hành.
Theo Quy chế, UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước các di tích đã xếp hạng và di tích thuộc danh mục kiểm kê được UBND tỉnh phê duyệt trên địa bàn tỉnh. Sở VH&TT là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh quản lý nhà nước các di tích trên địa bàn tỉnh; trực tiếp tổ chức quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, một số di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh trọng điểm, các di tích cấp tỉnh về phong trào Tây Sơn trên địa bàn huyện Tây Sơn.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Việc ban hành Quy chế căn cứ theo Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quản lý, phát huy giá trị di tích nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích. UBND cấp huyện trực tiếp tổ chức quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh và di tích thuộc danh mục kiểm kê trên địa bàn (trừ các di tích đã giao Sở VH&TT quản lý); UBND cấp xã quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo sự phân công của UBND cấp huyện… Chúng tôi cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Danh mục di tích để phân cấp quản lý cho các địa phương. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý, bảo vệ di tích không có nghĩa “khoán trắng” cho các địa phương, mà ngành văn hóa sẽ hướng dẫn về mặt nghiệp vụ, chuyên môn, cũng như đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện Quy chế…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN