Việt Nam sẽ điều trị ung thư bằng tế bào miễn dịch
Y học tái tạo và tế bào gốc đã trở thành một xu hướng mới trong điều trị bệnh hiện nay. Trong đó ứng dụng liệu pháp tế bào, tế bào gốc điều trị ung thư sẽ là một xu hướng mới trên thế giới, góp phần nâng hiệu quả điều trị, kéo dài sự sống cho người bệnh ung thư...
Thông tin trên được GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào Gốc và Công nghệ Gen Vinmec chia sẻ bên lề Hội nghị khoa học quốc tế Liệu pháp Tế bào và Gen lần thứ 5, với chủ đề “Trị liệu Tế bào: Kỷ nguyên mới của y học” diễn ra tại Hà Nội. “Thực tế cho thấy, có rất nhiều bệnh trước đây chưa có phương pháp điều trị nhưng với việc ứng dụng liệu pháp tế bào, bệnh nhân có thể được chữa khỏi hoặc cải thiện tình trạng bệnh”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm nói.
Chuẩn bị ghép tế bào gốc chữa ung thư tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
“Bản thân trong cơ thể chúng ta đã có các tế bào miễn dịch, nhưng các tế bào ung thư rất thông minh, nó có cơ chế lẩn trốn, nên tế bào T trong cơ thể không tìm diệt được tế bào ung thư. Giờ người ta tìm cách gắn vào tế bào T này bộ phận giống như nam châm, để khi phát hiện tế bào ung thư nó sẽ tìm đến, tiêu diệt", GS Liêm giải thích. Ông đồng thời cho biết liệu pháp tế bào điều trị ung thư đã có một số nước trên thế giới. Hiện Việt Nam bắt đầu tiếp cận, Vinmec đã có dự án nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc, trang thiết bị.
“Dự kiến tháng 12 tới, chúng tôi bắt đầu triển khai dự án. Tiếp đó dành khoảng 2 tháng cho việc đào tạo nhân lực, dự kiến đến cuối tháng 3, đầu tháng 4.2023 sẽ ứng dụng điều trị bệnh nhân đầu tiên là bệnh nhân ung thư máu. Chúng tôi chọn bệnh ung thư máu, bởi đến nay, các nghiên cứu ở các nước đang thực hiện điều trị ung thư máu mang lại hiệu quả tốt”, GS Liêm cho biết.
Bộ Y tế đã cấp phép điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc cho 4 bệnh gồm: thoái hóa khớp gối, xơ gan, teo đường mật, chấn thương cột sống. Riêng về bệnh bại não đang trong quá trình nghiên cứu. Hiện đã xong giai đoạn 1 với 30 bệnh nhân. Bộ Y tế có ý kiến làm mở rộng ra 50 bệnh nhân tiếp theo.
Về hiệu quả bước đầu cho thấy 80% cải thiện tốt về vận động, ngôn ngữ, kĩ năng sống hằng ngày. Đối với tự kỉ, hiện điều trị bằng tế bào gốc làm được 30 trường hợp đáp ứng ở các mức độ khác nhau, nhưng có đến 90% có thay đổi, tiến bộ, đặc biệt nhận thức, hiểu lời, tình trạng tăng động cũng giảm, đang làm pha 2 (giai đoạn 2) cho 58 bệnh nhân.
Tại Hội nghị, GS Liêm chia sẻ trường hợp bé gái 5 tuổi bị bại não, gần như sống thực vật khi mất hết ý thức, không còn vận động nhưng đã hồi phục kì diệu sau 3 lần ghép tế bào gốc. Hiện tại, bệnh nhi đã lại được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Cho đến nay 3 bệnh nhân bị di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề sau viêm não tự miễn đã được điều trị thành công bằng tế bào gốc.
Theo Hà Minh (TP)