Nghề review: Cần tỉnh táo, khách quan, đúng sự thật
Không giống các ngành nghề truyền thống khác, nghề review (chuyên trải nghiệm, đưa ra nhận xét về món ăn hoặc địa điểm và giới thiệu chúng đến với người xem) còn khá mới lạ ở Bình Định. Nghề review hấp dẫn bởi nhiều đặc thù thú vị, nhưng người làm nghề cũng cần hết sức tỉnh táo để cân bằng cảm xúc, tuân thủ quy định của pháp luật.
Chính xác, tuân thủ pháp luật
Một trong những nguyên tắc cốt lõi của bất kỳ công việc nào là không vi phạm pháp luật. Do đó, tất cả các mặt hàng được review đều phải hợp pháp, không gây hại cho người sử dụng. Cùng với đó, cần review đúng sự thật, chỉ có vậy mới có thể cung cấp thêm thông tin chính xác cho người xem, tránh hệ lụy, rắc rối.
Vừa chỉnh sửa video và hình ảnh từ một buổi làm việc trước đó, chị Trần Thảo My (SN 1999, một trong các admin chính của group review “About Quy Nhơn” có hơn 7.800 thành viên), cho biết: “Tôi chọn nghề này bắt nguồn từ mong muốn được khám phá các địa điểm thú vị nơi mình sống, rồi từ đó lọc ra những nơi đảm bảo chất lượng để giới thiệu đến mọi người, tránh review sai sự thật, gây thiệt cho người xem và ảnh hưởng tiêu cực đến công việc”.
Thảo My đang chỉnh sửa hình ảnh, clip review. Ảnh: NVCC
Cùng chung suy nghĩ, chị Nguyễn Hoàng Uyên (SN 1997, chủ fanpage “Uyên Luyên Thuyên” thu hút gần 14.800 người theo dõi) theo đuổi nghề này từ năm 2017. Hơn 5 năm trong nghề, review hàng trăm món ăn, điểm đến, chị Uyên vẫn kiên trì với nguyên tắc: Review nghĩa là nhận xét, không phải quảng cáo. Do vậy, trước khi đưa bất kỳ nội dung gì lên fanpage, chị đều tự mình trải nghiệm.
“Trong trường hợp các đơn vị chủ động mời hợp tác, tôi luôn trao đổi trực tiếp rằng chất lượng của mặt hàng phải ổn thì mới review được. Ngoài ra, chúng tôi cần liên tục cập nhật các địa điểm mới, kịp thời review để người dùng được tiếp cận thông tin một cách nhanh, đầy đủ nhất”, chị Uyên chia sẻ.
Cân bằng quan điểm cá nhân và thị hiếu chung
Không có khung giờ làm việc cố định, liên tục cập nhật thông tin mới, cân bằng lợi ích giữa các bên là những đặc trưng của nghề review.
Những ngày đầu chập chững vào nghề, chị Uyên gặp phải sự nghi ngờ của người thân, bởi “nghề gì mà suốt ngày ngoài đường, tối về lại ôm máy tính chỉnh sửa hình ảnh cả đêm”.
“Khi ấy, nghề review còn quá mới, không nhiều người biết và hiểu được công việc này. Thậm chí, khi đến các hàng quán để trải nghiệm món ăn rồi giới thiệu với mọi người, các cô, chú lớn tuổi cũng khá ngần ngại vì thấy tôi vừa hỏi chuyện vừa chụp ảnh”, chị Uyên kể.
Riêng về ẩm thực, người theo nghề cần cân bằng giữa quan điểm cá nhân như khẩu vị, sở thích với khẩu vị, thị hiếu chung của người dùng lẫn đặc trưng của cửa hàng. Tích cực đón nhận phản hồi của người dùng về những món ăn mình từng review để rút ra kinh nghiệm chung, Thảo My cho hay: “Thay vì miêu tả món ăn hoàn toàn theo khẩu vị cá nhân, tôi sẽ nhận xét cả đặc trưng của quán như cách nấu, bài trí và thái độ phục vụ; đồng thời cung cấp thông tin thêm về giá cả, địa chỉ để mọi người dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm”.
Theo sự phát triển của mạng xã hội, nghề review ngày càng “hot”, các kênh review xuất hiện nhiều hơn, dẫn đến tính lan tỏa ở mỗi sản phẩm lại càng lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc, các “reviewer” - người làm nghề, phải thuần thục các kỹ năng như truyền tải nội dung, chụp và chỉnh sửa hình ảnh, clip sao cho chỉn chu, thu hút sự chú ý của người xem.
Vừa là hướng dẫn viên du lịch giàu kinh nghiệm, vừa là nhà sáng tạo nội dung nổi bật trên nền tảng Tiktok với hàng loạt các clip nhận được hàng triệu lượt yêu thích từ người xem, anh Lê Hồng Phước (SN 1995, chủ trang review có gần 152 nghìn người theo dõi) tâm sự: “Không chỉ đem đến những địa điểm đẹp, lịch trình phù hợp cho người xem, việc trau chuốt cho mỗi sản phẩm review còn giúp khẳng định thương hiệu cho người làm nghề, đồng thời góp phần quảng bá nét đẹp, du lịch địa phương đến du khách”.
DIỆU NGỌC