Hội Đông y tỉnh: Góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân
Cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngoài nghiên cứu, gìn giữ các bài thuốc hay, Hội Ðông y tỉnh còn động viên các hội viên tham gia kết hợp Ðông - Tây y để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trực thuộc Hội Đông y luôn được củng cố và phát triển. Ngoài hệ thống y tế nhà nước như: Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh; Khoa Y học cổ truyền trong BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn và các TTYT huyện, thị, thành phố; tổ chẩn trị Đông y tại trạm y tế; còn có các phòng chẩn trị tư nhân của các lương y; phòng chẩn trị tập thể các cấp hội đã được Sở Y tế cấp giấy đủ điều kiện hành nghề.
Hội Đông y huyện Tuy Phước khám bệnh, cấp thuốc cho người dân. Ảnh: Đ. THẢO
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, Chi hội Đông y tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, Khoa Y học cổ truyền trong BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn, TTYT huyện, thị, thành phố đầu tư trang thiết bị cần thiết, cơ sở vật chất khang trang, cán bộ, y bác sĩ hoạt động có hiệu quả; kết hợp Đông - Tây để nâng cao chất lượng và kết quả điều trị; có điều kiện thừa kế, ứng dụng lâm sàng, nghiên cứu khoa học. Đây là điều kiện tốt nhất để đẩy mạnh, phát triển công tác thừa kế y học cổ truyền. Bên cạnh đó, các phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân của hội viên, lương y, lương dược hành nghề được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề. Công tác khám, chữa bệnh của các phòng chẩn trị chủ yếu dùng thuốc Nam, kinh nghiệm dân gian hoặc các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xóa bóp, bấm huyệt...
Ông Nguyễn Thanh Long cho biết: Cùng với y học hiện đại, các cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền điều trị đạt hiệu quả cao một số bệnh mãn tính, được nhân dân tin tưởng, như: Sỏi thận, đau dạ dày, viêm gan mãn tính, huyết áp cao, viêm đại tràng mãn, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, viêm đa khớp, đau thần kinh tọa, đau lưng, di chứng yếu, liệt nửa người do tai biến mạnh máu não, liệt mặt ngoại biên; một số bệnh chứng ngoại khoa như rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, băng huyết, thống kinh, khí hư bạch đới, động thai...
Cùng với Hội Đông y tỉnh, Hội Đông y ở các địa phương cũng góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Đông y huyện Tuy Phước, cho biết: Hiện nay, 13/13 xã, thị trấn đều có hội viên Hội Đông y hoạt động, đồng thời có 1 Chi hội Đông y của TTYT huyện Tuy Phước. Bên cạnh công tác khám chữa bệnh, thành viên của Hội còn thường xuyên viết bài phổ biến, tuyên truyền cho người dân biết cách trồng và sử dụng đúng một số cây thuốc để chữa được một số bệnh đơn giản tại nhà.
Tương tự, ông Ngô Anh Vũ, Chủ tịch Hội Đông y phường Bình Định, TX An Nhơn, chia sẻ: Ngoài công tác khám, điều trị, chúng tôi còn thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm điều trị; thảo luận những bài thuốc hay, thuốc quý, điều trị hiệu quả; động viên hội viên viết những bài thuốc hay, bài thuốc tâm đắc gửi về Hội Đông y tỉnh. Ngoài ra, chúng tôi đã sưu tầm trên 1.000 toa thuốc cổ phương đã được khảo nghiệm, khẳng định giá trị... đóng thành tập để lưu hành, tham khảo.
Bên cạnh đó, Hội Đông y còn chú trọng việc đào tạo thế hệ trẻ. Ông Trương Nghiệp Long, Phó Chủ tịch Hội Đông y TX Hoài Nhơn, chia sẻ: Chúng tôi nhận thức sâu sắc việc kế thừa, đào tạo, bảo tồn rất quan trọng trong việc giữ gìn tinh hoa y học cổ truyền. Những người thầy thuốc cao niên tận tâm truyền đạt cho đội ngũ thầy thuốc trẻ, có bài thuốc hay, có cây thuốc quý đều truyền lại. Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết với các cơ sở đào tạo chuyên môn để đào tạo các lương y, lương dược tại địa phương.
ĐỖ THẢO