"Cô thần", một vở ca kịch xuất sắc
Tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định đã tham gia 2 vở diễn. Trong đó, vở Cô thần (thể loại: Ca kịch Bài chòi; tác giả: Văn Trọng Hùng; chuyển thể: NSƯT Tấn Hào; đạo diễn: NSND Hoài Huệ) đã đạt HCV vở diễn.
Cô thần xoay quanh đoạn cuối cuộc đời trung thần Trần Văn Kỷ. Sau khi vua Quang Trung mất, thái sư Bùi Đắc Tuyên khuynh đảo triều chính, nhà Tây Sơn rối ren và đi vào suy vong. Thắng trận, Nguyễn Ánh ra sức chiêu dụ Trần Văn Kỷ nhưng ông đã chối từ, trầm mình xuống sông Hương để giữ trọn khí tiết.
Một cảnh trong vở Cô thần. Ảnh: VÂN PHI
Vở diễn khắc họa chân dung mưu sĩ tài hoa Trần Văn Kỷ với nhiều lời thoại, câu hát đắt giá. Đáng chú ý, trong vở diễn nhân vật người đánh đàn xuất hiện rất ít, nhưng mỗi lời hát của ông đều như thấm thía, nghe ra nỗi xót xa dịu vợi trước sự sụp đổ của một vương triều và sự nuối tiếc cho một bậc trung thần mất chúa. Tiếng hát ấy như còn vọng lại: Chúa không có đức cương quyết, đại thần giết hại lẫn nhau. Quan quân chia bè kéo cánh, triều cương mục nát. Đó là biến lớn. Biến ở bên trong không yên thì lấy gì mà chống chọi được biến loạn bên ngoài. Nhà Tây Sơn ắt phải bị diệt vong./ Làng Vân Trình Hương Trà quê cũ, ông trở về ẩn tích mai danh./ Ôi... cảm thương thay bóng dáng một Cô thần…
Trần Văn Kỷ chối từ thẳng thừng lời chiêu dụ của Nguyễn Ánh, ông nhất quán: “Trung thần bất nhị quân/ Cô thần không phò hai chúa”. Ở Trần Văn Kỷ, chỉ hoàng đế Quang Trung mới xứng danh là bậc quân vương đủ đức độ, bản lĩnh để ông tuân phục, hết lòng dốc sức dốc tâm. Đặc biệt từ tấm lòng trung liệt sáng ngời của Trần Văn Kỷ, ta còn thấy được vị thế của vua Quang Trung đối với tướng lĩnh và nhân dân. Vua Quang Trung đột ngột băng hà, Cảnh Thịnh lên ngôi khi còn quá non nớt, triều Tây Sơn rơi vào hỗn loạn vì không có bậc quân vương đủ uy dũng và bản lĩnh để chế ngự quần thần tướng lĩnh, trong bối cảnh nước nhà đang ở cơn binh lửa sôi sục. Kẻ ác, kẻ cơ hội lợi dụng tình thế nhiễu nhương, Tây Sơn suy vi nhanh chóng.
Vở diễn Cô thần đã đạt HCV và mang về giải thưởng danh giá dành cho tác giả kịch bản xuất sắc (kịch tác gia Văn Trọng Hùng). Vở diễn ngoài đề cao chính nghĩa, lòng nhân còn tạo nhiều khoảng trống cho sự gợi ngẫm, soi chiếu, vạch ra những thói tật của kẻ có quyền lực/ ham muốn quyền lực. Không chỉ là lịch sử, Cô thần đã tạo cho mình một đời sống khác trong bao ngẫm gợi của khán giả, ngay cả khi cánh màn nhung sân khấu đã khép lại…
VÂN PHI