Chuyện về thuyết minh viên bảo tàng
Không chỉ chuyển tải thông tin về các sự kiện lịch sử, văn hóa để du khách hiểu thêm về đất và người Bình Ðịnh, để tạo được ấn tượng với khách tham quan, thuyết minh viên bảo tàng còn làm “sống” các di tích lịch sử, văn hóa, những hiện vật trưng bày qua những câu chuyện lý thú.
Bình Định hiện có 2 bảo tàng, gồm: Bảo tàng Quang Trung - nơi lưu giữ, trưng bày hơn 11.000 hiện vật liên quan đến phong trào nông dân Tây Sơn và vương triều Tây Sơn; Bảo tàng tỉnh - lưu giữ, trưng bày hơn 13.000 hiện vật, tài liệu của nhiều giai đoạn lịch sử, văn hóa, cách mạng liên quan đến đất và người Bình Định… Để khách tham quan có thể hiểu được thông điệp từ lịch sử của những hiện vật trưng bày tại bảo tàng, các thuyết minh viên - những người góp phần kết nối bảo tàng đến với công chúng - giữ vai trò rất quan trọng.
Anh Trần Ngọc Cúc, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh, tâm tình: Dù học chuyên ngành bảo tàng học, nhưng những ngày mới chập chững vào nghề, tôi gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Nhờ các anh chị đi trước hướng dẫn, tôi cố gắng tìm hiểu lịch sử Bình Định để nắm chắc kiến thức, rồi tập luyện từ dáng đi đến giọng nói cho trôi chảy, lưu loát để thuyết minh cho du khách dễ nghe. Không chỉ có vậy, tôi còn phải tự cập nhật kiến thức, thông tin liên quan để những gì mình truyền đạt luôn tươi mới.
Thuyết minh viên là người dẫn chuyện, giải thích bằng những thông tin bổ ích ẩn chứa trong các hiện vật, tư liệu, hình ảnh, phim ảnh… trưng bày tại bảo tàng để giúp công chúng hiểu rõ hơn giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc; đặc biệt là lịch sử, văn hóa vùng đất Bình Định. Chị Nguyễn Thị Nhân, viên chức Phòng Trưng bày - Tuyên truyền (Bảo tàng tỉnh) trước đây là giáo viên dạy sử, nhưng vì say mê những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, chị chuyển về công tác tại Bảo tàng tỉnh, gắn bó với nghề thuyết minh được hơn 10 năm.
Chị Nhân chia sẻ: Nghề thuyết minh viên khác so với giáo viên. Giáo viên khi dạy còn có học sinh tương tác phát biểu ý kiến trong giờ học, còn thuyết minh viên chỉ nói để du khách tham quan cảm nhận là chính, ít có trường hợp tương tác. Do đó, ngoài kiến thức chuyên môn, hiểu biết sâu sắc về hiện vật, khi thuyết minh, tôi cố gắng đưa cảm xúc vào từng câu chuyện để truyền đạt làm sao dễ nghe, dễ hiểu, du khách cảm thấy gần gũi khi nghe mình nói”.
Du khách đến bảo tàng đa dạng về độ tuổi, trình độ khác nhau. Vì vậy, người thuyết minh phải chọn lọc phương pháp truyền đạt phù hợp với từng độ tuổi, nhu cầu tìm hiểu của du khách. Chị Nguyễn Thị Hạnh, thuyết minh viên Bảo tàng Quang Trung, thổ lộ: “Khi thuyết minh, mỗi du khách có sự cảm nhận khác nhau, đòi hỏi những người làm nghề thuyết minh phải không ngừng làm mới mình. Tùy theo độ tuổi, nhu cầu của du khách mà mình lựa chọn cách truyền đạt phù hợp. Như học sinh tiểu học thì sẽ kể những mẩu chuyện ngắn gọn cho các cháu dễ hiểu; với sinh viên nghiên cứu thì mình đi sâu hơn vào hướng dẫn nguồn tư liệu để các em tìm kiếm nghiên cứu…
Theo anh Đặng Công Lập, Phó trưởng Phòng Bảo tàng (Bảo tàng Quang Trung), Bảo tàng Quang Trung hiện có 7 thuyết minh viên làm việc ngay tại Bảo tàng, 2 thuyết minh viên được bố trí thuyết minh tại các di tích lịch sử, văn hóa do Bảo tàng quản lý. Để tạo sự hài lòng khi du khách đến Bảo tàng, đội ngũ thuyết minh viên phải tự học hỏi, nâng cao trình độ, đổi mới cách thuyết minh để phục vụ công chúng.
Tại Bảo tàng tỉnh, ngoài 4 thuyết minh viên túc trực phục vụ du khách đến tham quan, đơn vị còn bố trí luân phiên 7 - 8 thuyết minh viên tại một số tháp Chăm, di tích lịch sử, văn hóa trong tỉnh. Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Các thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh thường xuyên cập nhật kiến thức, tư liệu về các hiện vật mới được sưu tầm, trưng bày để sẵn sàng cung cấp thêm thông tin cho công chúng có nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa Bình Định”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN