Hát vọng trong sân khấu nghệ thuật truyền thống Bình Ðịnh: Để vở diễn thăng hoa trọn vẹn
Các vở tuồng, ca kịch bài chòi của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng, biểu diễn hiện nay thường đưa thêm ca khúc hát vọng vào giúp chuyển tải thông điệp của vở diễn, tạo không gian để khán giả cảm nhận vẻ đẹp của vở diễn trọn vẹn hơn.
Tùy theo kịch chủng mà hát vọng còn có các tên gọi khác, như: Tiếng hát hậu trường, hát lồng, hát cơ - nhưng tựu chung là những ca khúc do người nghệ sĩ đứng sau sân khấu thể hiện theo cảm xúc nhân vật, tình huống trên sân khấu...
NSƯT Thu Thẳm (đứng thứ 2 từ trái sang) hát vọng trong một vở diễn do Đoàn tuồng Đào Tấn biểu diễn tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
NSND Hoài Huệ cho biết: “Khoảng từ năm 1985, ca kịch bài chòi Bình Định bắt đầu đưa nghệ thuật hát vọng vào vở diễn đầu tiên là Tội lỗi (kịch bản: Nguyễn Đình Chính, chuyển thể bài chòi: NSƯT Nguyễn Kiểm, đạo diễn: NSƯT Mai Ngọc Căn). Từ đó đến nay, Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) phục hồi, dàn dựng hơn 150 vở diễn đều sắp xếp có phần hát vọng vào, giúp tô đậm thêm những lớp kịch, chuyển tải thông điệp của vở diễn”.
NSƯT Đào Duy Kiền - người được xem là bậc thầy tiên phong đưa hát vọng vào sân khấu tuồng Bình Định với ca khúc hát vọng đầu tiên được ông sáng tác trong vở tuồng Sư già và em bé vào năm 1969 - tâm sự: “Trong tuồng cổ trước đây không có hát vọng. Với mong muốn tạo thêm sự thăng hoa cho các vở diễn, dựa trên nền nhạc tuồng ta đưa hát vọng vào. Sau này hát vọng xuất hiện trong các vở bài chòi và cũng đạt nhiều thành công. Nghệ thuật sân khấu Bình Định đi tiên phong trong lĩnh vực này, sau đó nhận thấy hát vọng tạo hiệu ứng tốt, nhiều nhà hát của các tỉnh bạn cũng học hỏi, áp dụng”.
Như đã nói các bài hát vọng tô điểm thêm cho tình huống, khắc họa trạng thái biểu cảm cao trào nào đó của nhân vật nên chúng thường ngắn, rất cô đọng nhưng thông điệp của nó lại phải đảm bảo hài hòa cá tính, ý tưởng sáng tạo cùng một lúc của cả nhiều chủ thể - tác giả kịch bản, đạo diễn, nhạc sĩ và cả ca sĩ trình bày - nên có thể nói hát vọng là tác phẩm độc lập, đầy đủ và giữ vai trò quan trọng đối với sự thành công của vở diễn.
Tiếp nối những nghệ sĩ hát vọng nổi tiếng, như NSƯT Kim Thành (tuồng), NSƯT Thiên Chi (bài chòi)… những năm gần đây ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh xuất hiện nhiều gương mặt giàu triển vọng, như: Hoàng Thanh Bình, Thu Thẳm, Bạch Lan, Thiên Nga… Vừa là diễn viên trụ cột của Đoàn tuồng Đào Tấn (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh), NSƯT Thu Thẳm còn là nghệ sĩ hát vọng xuất sắc bên sân khấu tuồng. Chị tâm tình: “Dù đứng bên lề sân khấu để biểu diễn, nhưng người nghệ sĩ vẫn phải bám sát diễn biến kịch trên sân khấu để thể hiện sao cho ăn khớp từng câu từng chữ, có như vậy mới tham gia nâng cao kịch tính của vở diễn, giúp người nghệ sĩ trên sân khấu thăng hoa hơn, sự kết nối giữa công chúng thưởng thức với vở diễn trọn vẹn hơn”.
Để viết một ca khúc hát vọng, nhạc sĩ nghiên cứu kỹ lưỡng kịch bản, thậm chí còn phải tham vấn đạo diễn, trò chuyện thêm với nghệ sĩ trình diễn để sáng tạo của mình dễ dàng cộng hưởng cao độ với vở diễn. Tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh hiện nay, NSƯT Đinh Văn Nhân - chỉ huy dàn nhạc Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định là người “mát tay” trong sáng tác nhạc nền, ca khúc hát vọng phục vụ các vở diễn bài chòi. Nhiều ca khúc hát vọng của anh trong một số vở diễn gần đây, như Chói rạng sơn hà, Cô thần được đánh giá đã góp phần quan trọng giúp các vở diễn này giành HCV tại các kỳ Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc gần đây.
NSƯT Đinh Văn Nhân chia sẻ: Ngày nay một vở diễn ca kịch bài chòi thường có 8 bản nhạc không lời, 1 - 2 bài hát vọng. Sáng tác các ca khúc hát vọng là công đoạn xử lý âm nhạc đặc biệt. Ca từ, giai điệu của ca khúc hát vọng thể hiện chủ đề vở diễn thường được thể hiện ở đầu và cuối vở diễn, nên nó đặc tả khác với ca khúc hát vọng cho nhân vật. Với những ca khúc chủ đề vở diễn, mình phải chắt lọc, sáng tác để gói ghém được nội dung, tư tưởng của một vở diễn.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN