Phát huy hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội
Mỗi năm, ở tỉnh Bình Định diễn ra gần 100 lễ hội với nhiều quy mô khác nhau. Các lễ hội này góp phần phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc nói chung, địa phương nói riêng, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
Theo Sở VH&TT, toàn tỉnh có 90 lễ hội truyền thống cấp xã, huyện; 5 lễ hội văn hóa cấp tỉnh (liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định, lễ kỷ niệm Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu, lễ kỷ niệm Chiến thắng Đồi Mười, Ngày hội VH&TT miền biển tỉnh, Ngày hội VH&TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh) và 2 lễ hội truyền thống cấp tỉnh (lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn). Bình Định không có lễ hội du nhập từ nước ngoài.
Nhiều kết quả tích cực
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Qua theo dõi, đa số các lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh được tổ chức theo định kỳ, phù hợp, tuân thủ nghiêm túc Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quy định và tổ chức lễ hội. Các lễ hội truyền thống, văn hóa từ cấp tỉnh đến huyện, xã được tổ chức trên tinh thần tiết kiệm, không phô trương, lãng phí; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích, lễ hội.
Điều đáng mừng là nhiều lễ hội do cấp xã quản lý ngày càng bài bản, phát huy tốt hiệu quả trong đời sống xã hội, trở thành thành tố quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH trên địa bàn.Việc tế lễ ở các lễ hội làng, nhà chùa, nhà thờ, thánh thất đa phần được thực hiện một cách trang nghiêm, gọn, tính xã hội hóa cao, lành mạnh, không sa vào mê tín dị đoan, không lợi dụng lễ hội để kinh doanh bất chính. Chính quyền địa phương hoặc ban tổ chức lễ hội đều thực hiện xin phép, thông báo theo phân cấp quản lý trước khi tổ chức lễ.
Điểm đặc biệt ở tỉnh Bình Định là các lễ hội không thực hiện bán vé, thu tiền tham dự lễ hội. Phần tiền lễ được kiểm soát, quản lý, sử dụng công khai, minh bạch, đúng mục đích. Có thể kể đến: Lễ hội làng nghề rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc), lễ hội Vía Bà (xã Nhơn Phong), TX An Nhơn; lễ hội làng nghề dệt chiếu Chương Hòa (xã Hoài Châu Bắc, TX Hoài Nhơn); lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), lễ hội cúng Chồm (xã Ân Phong, huyện Hoài Ân)…
Lễ hội Vía Bà, xã Nhơn Phong, TX An Nhơn. Ảnh: A.N
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Dù có nhiều ưu điểm, tổ chức đúng quy định nhưng hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Ở số ít lễ hội, trong đó có lễ hội chùa Ông Núi (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), hội Chợ Gò (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước)… vẫn còn hiện tượng xin xăm, bán hàng rong, làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa. Ý thức thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh của một số người dân tham gia lễ hội còn chưa cao, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, trang phục phản cảm, chen lấn tại một số lễ hội. Ngoài ra, một số điểm tổ chức lễ hội, cơ sở vật chất, hạ tầng còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ không gian cho người tham gia dẫn đến chen lấn, mất kiểm soát ở một vài thời điểm nhất định.
Để công tác quản lý và tổ chức lễ hội thời gian tới diễn ra trật tự, an toàn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, tạo điểm nhấn phát triển du lịch, ông Tạ Xuân Chánh cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức thật tốt các lễ hội. Một mặt duy trì, nâng cao các ưu điểm mà ta đã có, mặt khác tiếp tục nghiên cứu để làm rõ các đặc trưng của ta để giới thiệu, quảng bá rộng rãi. Muốn lễ hội tham gia phục vụ du lịch, thu hút nhiều du khách thì mình phải cho người ta thấy những nét riêng có, độc đáo của riêng mình! Ví dụ, có nhiều nơi cũng có truyền thống về võ cổ truyền chứ, nhưng nói đến “miền đất võ” thì chỉ có Bình Định; đô thị cổ cũng nhiều nhưng lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn gắn với nơi phôi thai chữ Quốc ngữ thì chỉ về Bình Định mới có trải nghiệm; lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại huyện Tây Sơn thì rõ rồi!”.
AN NHIÊN