Cảm ơn nghề giáo viên mầm non cho tôi nhiều cảm xúc !
Đó là tâm sự của cô Võ Thị Mỹ Linh, sinh năm 1993, giáo viên Trường Mầm non Hoài Hương (TX Hoài Nhơn). Cô Linh là một trong 400 giáo viên cả nước được Bộ GD&ĐT tuyên dương nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2022), ngày 18.11, tại Thủ đô Hà Nội.
Trường Mầm non Hoài Hương một ngày giữa tháng 11. Sân trường vui mắt với những chiếc chong chóng lớn xoay tròn trong gió. Cô hiệu trưởng Hồ Thị Hoàng Triều nói ngay đó là ý tưởng của cô giáo trẻ Võ Thị Mỹ Linh. Đến giờ, cả hai cơ sở của trường đều sặc sỡ, sinh động với những chiếc chong chóng như vậy. Nhưng, sáng tạo của cô Linh không chỉ như vậy…
Yêu trẻ, sáng tạo vì trẻ
Giờ hoạt động ngoài trời của cô Linh và các con lớp lá tại khu vườn cổ tích sôi động với tiếng hát hòa cùng nhịp phách, tiếng lách cách của những đồ dùng bằng tre. Đó là đồ dùng học tập, đồ dùng dạy học được cô giáo trẻ sáng tạo cho trò của mình. Rồi, giờ học thể dục ngoài trời, chiếc bông xù cũng thay bằng phách gõ lách cách vui tai. Những chiếc chuông gió, giỏ cắm hoa, bập bênh… làm từ tre của cô Linh cũng khiến trẻ càng thêm thích thú. Mô hình đồ chơi, đồ dùng học tập bằng tre hấp dẫn trẻ thơ được nhân rộng toàn trường, mỗi lớp đều có một bộ đồ dùng đồ chơi dạy học như thế.
Sáng kiến “Sự hấp dẫn của cây tre trong thế giới đồ dùng đồ chơi của trẻ” được cô Linh thực hiện trong năm học 2019 - 2020, áp dụng vào thực tế rất hiệu quả. “Tôi từng đưa hình ảnh cây tre Việt Nam gần gũi, thân thương vào trong các bài thơ, câu hát, bài đồng dao dạy cho các con, song như vậy chưa đủ. Đồ dùng, đồ chơi bằng tre giúp trẻ trực tiếp khám phá, cảm nhận được vẻ đẹp và sự hấp dẫn của cây tre một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Cha mẹ trẻ cũng hưởng ứng nhiệt tình, ủng hộ triển khai sáng kiến và áp dụng để tự tạo đồ chơi cho con mình ở nhà”, cô Linh vui vẻ nói.
Trong điều kiện đồ dùng, đồ chơi của các trường mầm non không được phong phú, việc tổ chức cho trẻ học trải nghiệm ngoài trời thường ít được các trường tổ chức vì “ngại” do khó quản lý, khó quán xuyến, những nỗ lực của cô Linh trong việc tự làm đồ dùng, đồ chơi để minh họa cho tiết dạy (như búp bê làm từ vỏ trứng, những sản phẩm làm từ vật thải loại từ nhà bếp) thật đáng quý.
Hay câu chuyện, để trẻ cảm thụ tốt văn học ngay từ nhỏ, cô Linh lựa chọn những câu chuyện, bài thơ phù hợp với chủ đề và tâm sinh lý lứa tuổi đưa vào chương trình dạy, tập cho trẻ kể lại, đọc thật hay và truyền cảm. Cô chuẩn bị cả đạo cụ, phục trang, phương tiện nghe nhìn để kích thích sự tò mò, thu hút trẻ đến với các tác phẩm văn học nhanh, nhẹ nhàng hơn.
Cô Linh cho rằng, khi gắn bó với nghề cô mới thấy được vô vàn khó khăn, vất vả của người giáo viên mầm non, “việc không tên” rất nhiều. Nhưng có tình yêu với trẻ thì tất cả đều vượt qua được.
Cô Linh sáng tạo nhiều đồ dùng dạy học, đồ chơi từ tre tạo hứng thú học tập cho trẻ. Ảnh: T.H
Hạnh phúc khi là giáo viên mầm non!
Nhà ở phường Hoài Thanh, chị Trần Thị Thơm nghe nhiều người mách tiếng nên sang tận Trường Mầm non Hoài Hương, lần lượt gửi 2 con gái là Lê Thị Trà Mi và Lê Thị Tuyết Nhung theo học cô Linh. “Cô Linh dạy cháu ngoan hiền, lại chăm sóc trẻ rất tốt nên tôi quyết định gửi các con ở trường Hoài Hương, để lớp lá được học lớp cô dạy. Gửi con cho cô Linh thì yên tâm lắm!”, chị Thơm bày tỏ.
Trẻ từ phường Hoài Thanh sang phường Hoài Hương để học cô giáo Linh không phải hiếm. Chuyện bắt đầu với việc cô Linh bén duyên nghề sau khi tốt nghiệp sư phạm mầm non Trường ĐH Quy Nhơn năm 2016, trải nghiệm qua 3 trường mầm non tư thục, sau đó dạy hợp đồng ở Trường Mầm non Hoài Thanh. Đến năm 2018, cô thi biên chế và được phân công về dạy ở Hoài Hương.
Từ ngày về trường, cô Linh luôn được tin tưởng giao đảm nhận dạy lớp trẻ 5 - 6 tuổi. Với những trẻ nhận thức chậm, nhiều kỹ năng yếu, cô luôn nỗ lực tìm cách giúp trẻ phát triển. Những giờ trẻ ngủ trưa, cô tranh thủ chuẩn bị nguyên vật liệu, đồ dùng, đồ chơi, sao cho những bài học thật dễ nhớ, dễ gần cho những đứa con ở lớp của mình.
Lúc là một cô giáo, một người mẹ, lúc lại là một nghệ sĩ, một người bạn… cô Linh đóng nhiều “vai” để đến gần hơn với trẻ, hiểu trẻ. Cô còn thường xuyên trao đổi cùng phụ huynh trong giờ đón - trả trẻ hay ngoài giờ làm, để cùng đưa ra phương pháp giáo dục tốt nhất cho từng trẻ. Bởi theo cô, mỗi trẻ đều có cá tính khác nhau. Bên cạnh sự uốn nắn, dạy dỗ, cô giáo phải luôn yêu thương, chở che các con như chính con ruột của mình. Khi trẻ được yêu thương, các con có điểm tựa tinh thần để gần gũi, yêu mến cô và mái trường.
6 năm gắn với nghề, cô Linh đã đạt giải nhì giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021, nhiều giấy khen và bằng khen UBND tỉnh.
“Cảm ơn nghề giáo viên mầm non cho tôi nhiều cảm xúc! Đó có thể chỉ là câu nói của phụ huynh trẻ “Cho con tôi học cô Linh”; hay những khi tiếng gọi các con không phải là “cô” mà thay vào đó là “mẹ”. Các con thích đi học, thoải mái vui chơi trong mọi hoạt động, các con tiến bộ từng ngày, đó chính là động lực to lớn, là hạnh phúc để tôi tiếp tục phấn đấu, gắn bó với nghề”, cô Linh chia sẻ.
THU HIỀN